Hôm thứ Ba (19/4), các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, Anh và Canada đã cam kết sẽ gửi thêm vũ khí pháo binh tới Ukraine để đối đầu với cuộc tấn công tổng lực của Nga vào miền Đông của đất nước.

Embed from Getty Images

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nhất trí với kế hoạch trên sau một cuộc gọi video với các nhà lãnh đạo đồng minh khác.

Những người khác trong cuộc gọi bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng như các nhà lãnh đạo của Ý, Nhật Bản và Ba Lan.

TT Biden dự kiến ​​sẽ công bố trong những ngày tới một gói viện trợ quân sự khác cho Ukraine có quy mô tương đương gói 800 triệu USD mà Mỹ đã công bố vào tuần trước, nhiều nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết hôm thứ Ba, theo Reuters.

Gói viện trợ mới này dự kiến sẽ nâng tổng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine kể từ khi Nga xâm lược lên hơn 3 tỷ USD.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một rằng các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết cung cấp hỗ trợ an ninh, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine.

Bà cũng cho biết Hoa Kỳ đang chuẩn bị một vòng trừng phạt mới lên Moscow.

Trong cuộc gọi video kéo dài 90 phút, TT Biden và các đồng minh đã thảo luận về các cam kết ngoại giao của họ và phối hợp nỗ lực nhằm áp đặt thêm “chế tài kinh tế nghiêm khắc để buộc Nga phải chịu trách nhiệm”, bà Psaki nói.

Bà nói rằng họ sẽ phối hợp thông qua G7, Liên minh châu Âu và NATO.

Một cố vấn của Tổng thống Pháp cho biết các đồng minh đã thảo luận về các cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine sau chiến tranh nếu nước này không thuộc NATO.

“Đất nước chúng tôi sẵn sàng cung cấp các đảm bảo an ninh”, quan chức Pháp nói. “Đó sẽ là cung cấp quân sự để nước này có thể đối phó với một cuộc tấn công mới hoặc có thể đảm bảo rằng chúng tôi sẽ tham gia nếu Ukraine bị tấn công, theo cách mà chúng tôi có thể đánh giá cách hỗ trợ.”

Quan chức Pháp cho biết, những đảm bảo này sẽ giống điều khoản quốc phòng mà Liên minh châu Âu hiện có giữa các thành viên hơn là một cơ chế phòng thủ tương tự như Điều 5 của NATO.

Các đồng minh cũng thảo luận về sự cần thiết phải thuyết phục các nước không thuộc EU, không thuộc G7 coi cuộc chiến ở Ukraine là một vấn đề liên quan đến hòa bình thế giới chứ không chỉ châu Âu hay phương Tây, quan chức Pháp cho biết.

Lê Vy