Hôm thứ Hai (10/1), cùng ngày với lễ nhậm chức dự kiến của Tổng thống Daniel Ortega, chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với hàng chục quan chức Nicaragua vì cuộc bầu cử không minh bạch tháng 11 năm ngoái của quốc gia Trung Mỹ này.

Embed from Getty Images

Trước đó, hôm 7/11/2021, Tổng thống Ortega đã được bầu lại nhiệm kỳ thứ tư trong một cuộc bầu cử vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia sau khi bảy đối thủ tranh cử tiềm năng của ông đã bị bắt giữ trong vài tháng trước khi cuộc bầu cử diễn ra.

Hôm 10/1, vài giờ trước khi Tổng thống Ortega 75 tuổi tuyên thệ nhậm chức, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố các biện pháp trừng phạt mới.

Theo Associated Press (AP), Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố việc hạn chế thị thực đối với 116 cá nhân liên quan đến chính quyền Ortega, “bao gồm các thị trưởng, công tố viên, quản trị viên đại học, cũng như các quan chức cảnh sát, nhà tù và quân đội.”

Bộ Tài chính Mỹ đã đóng băng tài sản tại Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng và năm quan chức quân đội, viễn thông và khai thác khoáng sản khác của quốc gia Trung Mỹ. Các quan chức này sẽ bị đưa vào danh sách đen và công dân Hoa Kỳ sẽ bị cấm tiến hành giao dịch kinh doanh với họ.

Theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ, “Kể từ tháng 4/2018, chế độ Ortega-Murillo đã đàn áp phe đối lập chính trị và các cuộc biểu tình công khai, dẫn đến hơn 300 người chết, 2.000 người bị thương, đồng thời bỏ tù hàng trăm nhân vật chính trị và xã hội dân sự. Kể từ đó, hơn 10.000 người Nicaragua đã phải bỏ trốn khỏi đất nước này.”

Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết, Nicaragua đang giam giữ ít nhất 170 tù nhân chính trị, trong đó nhiều người không được chăm sóc y tế và cung cấp đủ thực phẩm.

Sau khi Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ bỏ phiếu lên án cuộc bầu cử tháng 11 của Nicaragua, cáo buộc cuộc bầu cử này không “tự do, công bằng hoặc minh bạch” và thiếu tính hợp pháp dân chủ, chính phủ của Tổng thống Ortega đã tuyên bố sẽ rút khỏi tổ chức này.

Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích: “Hệ thống tư pháp và an ninh tham nhũng của Ortega đã giam giữ những cá nhân này chỉ vì hành nghề báo chí độc lập, làm việc cho các tổ chức xã hội dân sự, cố gắng cạnh tranh trong các cuộc bầu cử và công khai bày tỏ ý kiến trái với quan điểm của chính phủ, cũng như các hoạt động khác vốn được xem là bình thường trong một xã hội tự do.”

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, “Hôm nay, Tổng thống Ortega sẽ tự nhậm chức nhiệm kỳ Tổng thống mới, nhưng cuộc bầu cử được dàn xếp trước mà ông ấy dựng lên vào ngày 7/11 không mang lại cho ông ta một ủy nhiệm dân chủ mới. Chỉ có các cuộc bầu cử tự do và công bằng mới có thể làm được điều đó.”

Do tất cả các thể chế chính phủ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của Tổng thống Ortega, cùng với việc phe đối lập bị tha hương, bị bỏ tù, hoặc phải lẩn trốn, nhà lãnh đạo 75 tuổi đã làm xói mòn hy vọng còn lại rằng Nicaragua có thể sớm trở lại con đường dân chủ. Thay vào đó, ông Ortega dường như tiếp tục thách thức cộng đồng quốc tế và phớt lờ các biện pháp trừng phạt và những tuyên bố phản đối nhắm vào chế độ của mình.

Chế độ Ortega đã bị nhiều bên lên án và trừng phạt kể từ sau cuộc bầu cử.

25 quốc gia ở châu Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án cuộc bầu cử tháng 11 của Nicaragua, trong khi bảy quốc gia khác, bao gồm Mexico bỏ phiếu trắng. Chỉ có Nicaragua bỏ phiếu chống.

Quan điểm thách thức của Tổng thống Ortega đã đặt các chính phủ Mỹ Latinh vào tình thế khó xử khi quyết định có cử đại diện đến tham dự lễ nhậm chức hay không.

Hôm Chủ nhật (9/1), Mexico tuyên bố họ sẽ cử một quan chức ngoại giao cấp trung, nhưng sau đó nói rằng họ sẽ không cử đại diện đến dự. Hôm thứ Hai (10/1), Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết ông không chắc chắn về việc này. Tuy nhiên, sau đó ông đã đính chính và tuyên bố sẽ cử người phụ trách tại Đại sứ quán Mexico ở Managua, Nicaragua đến dự lễ nhậm chức.

Danh sách những người dự kiến tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Ortega bao gồm đại diện của Trung Quốc, Triều Tiên, Iran, Nga và Syria.

Gia Huy (theo Newsweek)

Xem thêm: