Hai nhà nghiên cứu Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan tới quân đội Trung Quốc đã bị bắt và truy tố trong khi cố gắng lên các chuyến bay trở về Trung Quốc, theo các tài liệu tòa án được công bố hôm 28/8.

UCLA
Đại học California, Los Angeles (UCLA). (Ảnh: UCLA)

Một trong hai người bị bắt là ông Quan Lỗi (Guan Lei), nhà nghiên cứu 29 tuổi tại Đại học California, Los Angeles (UCLA). Ông Quan Lỗi bị buộc tội phá hủy chứng cứ nhằm cản trở một cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đối với việc ông có hay không chuyển phần mềm và dữ liệu Mỹ nhạy cảm cho Trung Quốc, theo Bộ Tư pháp Mỹ.

Cũng trong ngày thứ Sáu (28/8), nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia (UVA) Hồ Hải Châu (Hu Haizhou), 34 tuổi, đã bị bắt và bị buộc tội đánh cắp các bí mật thương mại và xâm nhập máy tính trái phép, theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ. Chuyện này xảy ra vài ngày sau khi ông Hồ Hải Châu bị bắt quả tang tại sân bay Chicago khi đang cố gắng chuyển về Trung Quốc các mã nguồn máy tính tối tân mà ông được cho là đã đánh cắp từ UVA, theo các công tố viên.

Việc bắt giữ ông Quan Lỗi và ông Hồ Hải Châu là động thái mới nhất trong một loạt các vụ truy tố của Bộ Tư pháp Mỹ nhắm vào các nỗ lực của chế độ Bắc Kinh trong việc lợi dụng các thể chế học thuật Mỹ để phục vụ các lợi ích kinh tế và quân sự Trung Quốc.

Phá hủy bằng chứng 

FBI đã tiến hành điều tra ông Quan Lỗi – học giả thỉnh giảng khoa toán tại UCLA – từ tháng Bảy với nghi ngờ ông này gian lận thị thực và có thể đang chuyển “dữ liệu phần mềm hoặc kỹ thuật nhạy cảm” cho các quan chức quân đội “cấp cao” Trung Quốc, theo tài liệu tòa án.

Tuy nhiên, ông Quan Lỗi không bị buộc tội các tội danh nêu trên. Thay vào đó, các công tố viên đã cáo buộc ông Quan Lỗi phá hủy chứng cứ mà có thể chứa bằng chứng buộc tội. Các mật vụ FBI hôm 25/7 khi đang bí mật theo dõi ông Quan Lối sống tại Irvine, bang California, thì phát hiện ông vứt ổ cứng vào thùng rác gần tòa nhà ông ở, theo tài liệu tòa án.

Ổ cứng này “đã bị phá hủy không thể khôi phục và tất cả các dữ liệu trước đó phù hợp với việc ổ cứng này dường như đã bị loại bỏ một cách cố ý và dùng lực”, theo một bản khai có tuyên thệ.

Ông Quan Lỗi đã vứt vội ổ cứng nêu trên sau khi ông bị các mật vụ FBI thẩm vấn vào ngày 19/7. Trong cuộc thẩm vấn này, ông Quan Lỗi đã từ chối yêu cầu của các nhà điều tra về việc lấy máy tính của ông mang đi kiểm tra. Vài ngày sau khi bị FBI thẩm vấn, ông Quan Lỗi đã cố gắng lên một chuyến bay để trở về Trung Quốc nhưng bất thành.

Theo luật Mỹ, hành vi phá hủy chứng cứ là một trọng tội và người phạm tội này có thể bị kết án tối đa 20 năm tù giam.

Trước khi đến Mỹ, ông Quan Lỗi làm công tác nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc – một học viện quân sự. Một trong những cố vấn của ông Quân Lỗi cũng là trung tướng phục vụ trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Ông này chịu trách nhiệm phát triển máy tính sử dụng trong PLA.

Ông Quan Lỗi đã tiếp cận máy của Đơn vị Xử lý Đồ họa của UCLA. Máy này có khả năng được sử dụng trong quân đội và các nhiệm vụ giám sát và ứng dụng thu thập thông tin tình báo, theo tài liệu tòa án.

Các công tố viên cho rằng khi bị các quan chức hải quan tại sân bay Chicago chất vấn, ông Quan Lỗi đã nói dối rằng ông chưa bao giờ liên lạc với Lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles trong gần hai năm ông sống và làm việc tại Mỹ. Tuy nhiên, thông qua các bản ghi các cuộc điện thoại, trao đổi thư tín và các giao dịch trên ứng dụng gọi xe Lyft mà ông Quân Lỗi thực hiện, các nhà điều tra chỉ ra rằng nhà nghiên cứu Trung Quốc này đã hỏi Lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles về các chế tài liên quan tới “trường đại học tại Trung Quốc” mà ông đã làm việc trước đây, và về khả năng bay về Trung Quốc trong một máy bay thuê chuyến.

Từ vụ bắt giữ ông Vương Tân (Wang Xin) hồi tháng Sáu – một nhà nghiên cứu tại Đại học California, San Francisco, bị nghi làm cho quân đội Trung Quốc – chế độ Trung Quốc đã chỉ đạo các nhà khoa học quân đội đang làm việc tại Mỹ hãy phá hủy bằng chứng và những nỗ lực được điều phối để mang chúng về Trung Quốc, theo các tài liệu tòa án.

Khi bị các quan chức FBI hỏi liệu ông có nói chuyện với lãnh sự quán Trung Quốc về vụ ông Vương Tân bị bắt giữ hay không, ông Quan Lỗi đáp rằng ông “không nên bị” lo lắng.

Ông ta có phải là một người lính không ư? Tôi không cùng loại như ông ta. Hơn nữa, trên mạng nói rằng ông Vương đang đánh cắp thông tin. Tôi ở đây công khai, ông có thể tìm hiểu mọi thứ về tôi”, ông Quan Lỗi nói với một sĩ quan FBI hôm 17/7, theo các tài liệu tòa án.

Trong cuộc thẩm vấn nêu trên, các sĩ quan FBI đã phát hiện rằng ông Quan Lỗi đã dọn dẹp sạch sẽ chiếc máy tính Lenovo và hai chiếc điện thoại của ông ta trước khi giao nộp nó cho mật vụ FBI để kiểm tra. Trong một cuộc bố ráp của FBI vào căn hộ của ông Quan Lỗi hôm 30/7, các sĩ quan đã phát hiện rằng nhà nghiên cứu người Trung Quốc này đã xóa hầu hết dữ liệu khỏi một chiếc ổ cứng cắm ngoài khác, theo các tài liệu tòa án.

Ông Quan Lỗi đã xuất hiện lần đầu tại tòa hôm 28/8. Ông dự kiến sẽ tiếp tục ra tòa vào ngày 17/9.

Đánh cắp mã nguồn máy tính tối tân

Ông Hồ Hải Châu đang thực hiện công việc nghiên cứu về phỏng sinh học (bio-mimics) và thủy động lực tại Đại học Virginia (UVA). Vào ngày 25/8, các nhà chức trách tại Cảng hàng không Quốc tế O’Hare, Chicago trong một cuộc kiểm tra thường lệ đã phát hiện ông Hồ Hải Châu có sở hữu “mã nguồn phần mềm mô phỏng nghiên cứu dựa theo cảm hứng sinh học”, một tài liệu mà ông không được quyền tiếp cận, theo các công tố viên.

Mã nguồn phần mềm nêu trên, theo các tài liệu tòa án, là thành quả 17 năm làm việc của một vị giáo sư của ông Hồ Hải Châu tại UVA. Mã nguồn phần mềm này có thể được sử dụng để làm rô-bốt dưới nước, động cơ máy bay và trong các ứng dụng về hàng hải và hàng không vũ trụ.

Vị giáo sư của UVA đã được tặng thưởng 1,8 triệu USD nhờ phát triển được mã nguồn phần mềm nêu trên, theo tài liệu tòa án. Một công ty có trụ sở tại Mỹ cấp phép một phần mềm tương tự đã kiếm được doanh thu hơn 1,5 tỷ USD trong năm 2019.

Do bản chất nhạy cảm của mã nguồn phần mềm này, nên vị giáo sư của UVA đã hạn chế nghiêm ngặt việc tiếp cận trực tiếp hoặc điện tử đối với phần mềm, và chỉ chia sẻ quyền tiếp cận này cho hai nghiên cứu sinh mà ông đang hướng dẫn, trong đó không có ông Hồ Hải Châu.

Vị giáo sư của UVA và hai nghiên cứu sinh được cấp quyền đã nhiều lần từ chối việc ông Hồ Hải Châu xin được tiếp cận phần mềm. Ông Hồ Hải Châu xác nhận với các mật vụ FBI rằng vị giáo sư sẽ không hài lòng khi biết ông đã có các tệp tin mã nguồn phần mềm đó, theo tài liệu tòa án.

Các nhà điều tra phát hiện khoảng 9.600 tệp tin mã nguồn trong laptop của ông Hồ Hải Châu về nghiên cứu thủy động lực lấy cảm hứng từ sinh học, và xác nhận khoảng 55 tệp tin trong đó là những tệp tin chứa “mã nguồn cốt lõi” mà vị giáo sư UVA gọi đó là “tài sản trí tuệ”. Vị giáo sư đã nói rằng ông Hồ Hải Châu chỉ có thể lấy được những tệp tin chứa mã nguồn cốt lõi này bằng cách đánh cắp thông tin truy cập của những người dùng được cấp phép hoặc bằng cách xâm nhập trái phép vào máy tính, theo tài liệu tòa án.

Ông Hồ Hải Châu làm việc trong phòng thí nghiệm của vị giáo sư UVA từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2020, và đã trở về Trung Quốc mà không nói với ông, vị giáo sư nói.

Ông Hồ Hải Châu đã gặp vị giáo sư UVA vào năm 2017 khi giáo sư giảng bài tại Đại học Hàng không Vũ Trụ Bắc Kinh (Đại học Beihang) – trường đại học công lập thuộc không quân Trung Quốc. Ông Hồ Hải Châu là nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm thủy động lực tại Đại học Beihang. Sau khi giáo sư UVA giảng bài, ông Hồ Hải Châu đã tiếp cận giáo sư để xin gia nhập đội ngũ nghiên cứu của UVA. Ông Hồ Hải Châu cũng đã từng làm việc tại phòng thí nghiệm nghiên cứu về công nghệ rô-bốt dưới nước khi ông học tập tại Đại học Cáp Nhĩ Tân. Ông Hồ Hải Châu nói với các nhà điều tra Mỹ rằng Đại học Cáp Nhĩ Tân “tất nhiên” do quân đội Trung Quốc cấp tiền.

Ông Hồ Hải Châu cung cấp “các tuyên bố mâu thuẫn” với các mật vụ FBI liên quan tới các hoạt động của ông trong khi thực hiện nghiên cứu do chính phủ Mỹ tài trợ, theo bản khai có tuyên thệ. Chẳng hạn, ông Hồ Hải Châu nói rằng vị giáo sư UVA đã biết rằng ông sẽ lấy nghiên cứu của ông cùng với giáo sư để chuyển cho Trung Quốc, nhưng sau đó lại nói không ai biết về việc này.

Hội đồng Học bổng Trung Quốc, cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục nước này, đã chịu toàn bộ chi phí liên quan tới nghiên cứu của ông Hồ Hải Châu tại Mỹ. Hội đồng này yêu cầu ông Hồ phải nộp báo cáo tóm tắt về nghiên cứu của ông mỗi sáu tháng/lần, ông Hồ Hải Châu nói với các nhà điều tra.

Eva Fu/ The Epoch Times,

Xuân Thành biên dịch

Xem thêm: