Hôm thứ Hai (28/1), Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi tới tòa án ở New York và Washington buộc tội Tập đoàn Công nghệ Huawei Trung Quốc, giám đốc tài chính của công ty này và hai công ty con đã lừa gạt ngân hàng, vi phạm chế tài mà Mỹ đang áp đặt lên Iran.

huawei
Ảnh từ Shutterstock

Trong bản cáo trạng với 13 tội danh được nộp tại tòa án ở New York, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Huawei đã lừa gạt một ngân hàng toàn cầu và các nhà chức trách Mỹ về mối quan hệ của họ với các công ty con, Skycom Tech và Huawei Device USA Inc, để thực hiện kinh doanh tại Iran.

Trong một vụ án riêng rẽ khác, Bộ Tư pháp cũng cáo buộc hai công ty con của Huawei 10 tội danh đánh cắp bí mật thương mại, gian lận tài chính bằng công nghệ và cản trở tư pháp về cáo buộc đánh cắp công nghệ rô-bốt kiểm tra thử tuổi thọ điện thoại thông minh của nhà mạng T-Mobile tại Mỹ. Bộ Tư pháp nộp tài liệu buộc tội này tới tòa án quận miền tây của Washington.

Reuters cho biết họ đã liên hệ với Huawei để yêu cầu trả lời về những cáo buộc nêu trên, nhưng không nhận được phản hồi.

Theo Reuters, T-Mobile đã cáo buộc Huawei đánh cắp công nghệ rô-bốt của họ, gọi là “Tappy” – mô phỏng ngón tay người và được sử dụng để kiểm tra điện thoại thông minh. Huawei đã nói rằng hai công ty đã giải quyết tranh chấp năm 2017.

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo các cáo trạng đối với Huawei nêu trên chỉ vài ngày trước vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung tiếp theo được tổ chức tại Washington. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ có mặt tại thủ đô Washington trong hai ngày 30 và 31/1 để đàm phán với phái đoàn thương mại Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định với báo giới rằng hai vụ án liên quan tới Huawei là “hoàn toàn tách bạch” với các cuộc đàm phán thương mại.

Trong khi đó, Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng các vụ án này “vạch trần những hành động trơ tráo và dai dẳng của Huawei nhằm khai thác các công ty và thể chế tài chính Mỹ, và đe dọa tới thị trường toàn cầu tự do và công bằng.”

Ông Wray cho biết ông quan ngại về việc các thiết bị Huawei đang được sử dụng trong mạng viễn thông Mỹ. “Loại quyền truy cập đó có thể cung cấp cho chính phủ nước ngoài khả năng sửa đổi gây hại hoặc đánh cắp thông tin, thực hiện gián điệp không bị phát hiện hoặc gây áp lực hoặc kiểm soát,” ông Wray cảnh báo.

Ông Wray và các chuyên gia an ninh Mỹ nhiều lần dấy lên quan ngại rằng các thiết bị của Huawei có thể bị chính quyền Trung Quốc sử dụng để do thám Mỹ.

Theo Reuters, chính quyền Trump đã cấm các cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng các thiết bị của Huawei và đang cân nhắc tiếp tục ra lệnh cấm các công ty Mỹ mua bộ định tuyến và chuyển mạnh Huawei, đồng thời thúc ép các đồng minh thực hiện hành động tương tự.

Sự vụ căng thẳng nhất giữa Mỹ và Huawei hiện nay là việc Canada bắt giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu hôm 1/12 theo yêu cầu của Washington.

Giới chức Mỹ cáo buộc bà Mạnh đóng vai trò chính trong kế hoạch sử dụng các công ty con để kinh doanh tại Iran vi phạm chế tài của Mỹ đang áp đặt lên Tehran.

Giám đốc tài chính Huawei đã phủ nhận các cáo buộc này. Hiện tại bà Mạnh đang được bảo lãnh tại ngoại ở nhà riêng tại Vancouver trong thời gian chờ đợi quyết định của tòa án Canada có đồng ý để Mỹ dẫn độ bà hay không. Mỹ được cho là đã gửi tài liệu dẫn độ bà Mạnh cho tòa án tại Vancouver, quyết định cuối cùng có thể sẽ được đưa ra trong phiên tòa diễn ra vào tuần tới.

Tân Bình