Mỹ tiếp tục đưa vào danh sách cấm 4 công ty công nghệ và một viện nghiên cứu Trung Quốc, mở rộng cuộc chiến thương mại đối với Trung Quốc sang lĩnh vực siêu máy tính.

Embed from Getty Images

Tờ SCMP (Báo Buổi sớm Hoa Nam) hôm 22/6 đưa tin Mỹ đã áp lệnh cấm mua bán đối với các thực thể Trung Quốc này trên cơ sở họ gây tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ, đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nước.

Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu (21/6) cho biết danh sách cấm “Entity List” của Mỹ đã được mở rộng cho công ty siêu máy tính Sugon và Viện Công nghệ Điện toán Vô Tích Giang Nam. Ba công ty còn lại là các công ty con hoặc liên kết của Sugon, bao gồm công ty Higon, Mạch Tích hợp Hải Quang Thành Đô và Công nghệ Vi điện tử Hải Quang Thành Đô – cùng với nhiều bí danh của năm thực thể này. Lý do được cho là vì quan ngại các ứng dụng quân sự của những siêu máy tính mà họ đang phát triển có thể được dùng để chống lại Mỹ.

Viện Công nghệ Điện toán Vô Tích Giang Nam thuộc sở hữu của Viện Nghiên cứu Thứ 56 của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Bộ thương mại Mỹ cho hay “sứ mệnh chính của viện này là hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.”

Động thái trên có Mỹ bị đánh giá là có thể làm phức tạp thêm cuộc họp vào tuần sau giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xuống thang căng thẳng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sugon, nhà sản xuất siêu máy tính có tiếng của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp Mỹ như Intel, Nvidia và Advanced Micro Devices.

Theo nhà phân tích Paul Triolo tại hãng đánh giá rủi ro toàn cầu Eurasia Group, Sugon và viện Vô Tích mà Mỹ nói là thuộc sở hữu của viện nghiên cứu quân đội Trung Quốc, có tham gia trong nỗ lực thúc đẩy phát triển hệ thống máy tính công suất cao thế hệ mới để hỗ trợ công tác hiện đại hóa quân đội. Công nghệ này được cho là dùng để hỗ trợ các nhiệm vụ quân sự như chạy mô phỏng các vụ nổ hạt nhân, tính toán quỹ đạo của tên lửa và thuật toán siêu thanh.

“Tất cả điều này là về cuộc đua tính toán exascale (siêu máy tính có khả năng tính toán ít nhất một tỷ tỷ phép tính trên giây) mà Trung Quốc đã đặt mục tiêu ưu tiên quan trọng”, Triolo nói. Ông cho rằng các công ty về lĩnh vực này như Sugon đã nhận được trợ cấp to lớn từ Bắc Kinh.

Trong những năm gần đây, Mỹ và Trung Quốc đã thay nhau giữ ngôi đầu bảng của quốc gia sở hữu siêu máy tính nhanh nhất thế giới. Sugo sở hữu 63 siêu máy tính trong số 500 cái trong bảng xếp hạng gần nhất.

Lệnh cấm của Bộ thương mại Mỹ cấm các công ty Trung Quốc này mua công nghệ và linh kiện của Mỹ trừ khi được chính phủ cấp phép. Tháng trước, Washington cũng áp dụng lệnh cấm này với Huawei, gia tăng áp lực đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại ngày càng gam go.

Báo Hoa Nam lưu ý đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đưa tổ chức liên quan đến công nghệ quân sự của Trung Quốc vào danh sách cấm. Năm 2015, Washington cũng đặt lệnh cấm tương tự với Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc (NUDT).

Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, một đài thuộc chính phủ, hôm thứ Bảy cáo buộc động thái mới nhất của Mỹ đã vi phạm đồng thuận của Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Argentina vào tháng 12 năm ngoái, khi hai người đồng ý đình chiến thương mại để tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, việc đình chiến thương mại đã kết thúc vào tháng 5, sau khi đàm phán hai bên đổ bể và ông Trump tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Cho dù việc này nhắm mục tiêu trấn áp công nghệ Trung Quốc hay sự phát triển kinh tế lâu dài hay gây áp lực lên Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại, Hoa Kỳ sẽ không đạt được mục tiêu của mình,” Đài này nói.

Bộ Thương mại Mỹ cho rằng các công ty Trung Quốc trên “có nguy cơ đáng kể là đang tham gia hoặc sẽ tham gia vào các hoạt động mâu thuẫn với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”.

Vào tháng 5, chính quyền Trump đã đưa tập đoàn Huawei Trung Quốc và 68 chi nhánh tại hơn hai chục quốc gia của tập đoàn này vào danh sách cấm. Tổng thống Donald Trump đã nói rằng Mỹ có thể giải quyết các khiếu nại về Huawei như một phần của thỏa thuận thương mại.

Đức Trí (T/h)

Xem thêm: