Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án kế hoạch của Bắc Kinh muốn áp đặt một điều luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông, gọi đây là “hồi chuông báo tử” đối với nền tự do vô cùng quan trọng của thành phố đặc biệt này.

Embed from Getty Images

Trung Quốc đang muốn thông qua một luật mới cấm các hành vi mà nó gọi là “phản quốc, ly khai, nổi loạn và lật đổ” ở Hồng Kông trong nỗ lực đưa đơn vị hành chính đặc biệt này về trật tự.

Những người chỉ trích nói luật mới này sẽ tước đoạt những quyền tự do, dân chủ mà người dân Hồng Kông đang được hưởng.

Ngoại trưởng Mỹ nói việc Bắc Kinh muốn thông qua luật bởi Quốc hội đại lục, bỏ qua Hội đồng Lập pháp Hồng Kông là phớt lờ “ý chí của người dân” thành phố.

Hoa Kỳ lên án việc đề xuất của Quốc hội Trung Quốc nhằm đơn phương và tùy tiện áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông”, ông Pompeo nói hôm thứ Sáu.

“Quyết định bỏ qua các tiến trình lập pháp đã được thiết lập tỷ mỉ của Hồng Kông và bỏ qua ý chí của nhân dân Hồng Kông sẽ là một hồi chuông báo tử dành cho nền tự trị cao độ mà Bắc Kinh đã cam kết của Hồng Kông theo Tuyên bố chung Trung – Anh, một thỏa thuận được ghi nhận tại Liên Hiệp Quốc”.

Hoa Kỳ mạnh mẽ thúc giục Bắc Kinh tái xét lại đề xuất thảm họa này, thực hiện theo trách nhiệm quốc tế và tôn trọng nền tự do dân sự, các thể chế dân chủ và nền tự trị cao độ của Hồng Kông. Đây là những tiêu chí quan trọng để duy trì quy chế đặc biệt của Hồng Kông theo luật Mỹ. Chúng tôi ủng hộ nhân dân Hồng Kông.” ông Pompeo nói trong tuyên bố thứ Sáu.

Bất Kỳ quyết định nào làm hại đến nền tự trị và tự do của Hồng Kông, như được đảm bảo trong Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật Cơ bản chắc chắn sẽ tác động đến đánh giá của chúng tôi về nguyên tắc một quốc gia, hai chế độ và địa vị của Hồng Kông”.

Tuyên bố của ông Pompeo chắc chắn sẽ chọc giận Bắc Kinh, nơi vốn đang coi Ngoại trưởng Mỹ là kẻ thù do các tuyên bố lên án liên tục chế độ Cộng sản cầm quyền.

Hồi tháng 11/2019, Mỹ thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, cho phép Bộ Ngoại giao có quyền chế tài các cá nhân bị coi là chịu trách nhiệm cho các hành động phá hoại nền tự trị của Hồng Kông và đánh giá liệu thành phố này có nên tiếp tục được hưởng quy chế thương mại đặc biệt với Mỹ hay không.

Theo luật này, Bộ Ngoại giao phải có báo cáo trong vòng 6 tháng, đánh giá việc Hồng Kông có còn duy trì đủ mức độ tự trị theo khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ” được thiết lập trước khi Anh trả thành phố này về cho Trung Quốc năm 1997.

Trong tháng 5 này, ông Pompeo nói ông đang trì hoãn báo cáo này để có thể quan sát xem Bắc Kinh có đưa thêm hành động nào ảnh hưởng đến Hồng Kông trong kỳ họp Quốc hội này hay không.

Theo Robert Daly, giám đốc Viện Kissinger nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ thuộc Trung tâm Wilson nhận xét: “Luật an ninh quốc gia sẽ là chỉ dấu mạnh nhất cho đến lúc này rằng Hồng Kông không còn là một đặc khu hành chính của Trung Quốc”.

Chính phủ Mỹ sắp tới sẽ phải cực kỳ dằn vặt giữa việc muốn rút lại quy chế đặc biệt cho Hồng Kông và việc không muốn bị xem là bỏ rơi người Hồng Kông”, ông nói.

Việc này đang gia tăng áp lực lên Tổng thống Donald Trump, người đã nói sẽ có hành động mạnh mẽ nếu Trung Quốc thông qua luật an ninh mới.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đồng minh thân cận của ông Trump, đã đề nghị ông Trump “cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả mà họ sẽ phải đối mặt nếu họ cố gắng chấm dứt thỏa thuận về nền tự trị theo  ‘một quốc gia, hai chế độ’ của Hồng Kông”.

Dennis Kwok, một nhà lập pháp dân chủ Hồng Kông nói rằng dự luật an ninh mới của Bắc Kinh sẽ châm ngòi làn sóng bạo lực mới ở thành phố này sau dự luật dẫn độ:

“Tôi rất buồn khi nói rằng, tôi dự đoán sẽ có những cuộc đụng độ lớn giữa người dân và cảnh sát vào tuần sau.

Họ đã cố gắng cưỡng bức thông qua luật dẫn độ, thậm chí khi 2 triệu người đổ ra đường, thậm chí khi có các cuộc đụng độ khổng lồ giữa cảnh sát và người biểu tình. Chúng ta biết điều đó đã xảy ra. Phần còn lại là lịch sử … giống như họ chưa hề học được điều gì”.

Trọng Đức 

Xem thêm: