Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã cảnh báo, Taliban sẽ phải “trả giá” nếu họ không đảo ngược lệnh cấm phụ nữ theo học đại học ở Afghanistan mới được ban hành gần đây.

Embed from Getty Images

Ngày 22/12, Ngoại trưởng Blinken cho biết, chính phủ do Taliban lãnh đạo ở Kabul sẽ không thể cải thiện quan hệ với phần còn lại của thế giới nếu họ tiếp tục từ chối các quyền cơ bản của phụ nữ Afghanistan.

Trong một cuộc họp báo cuối năm ở Washington D.C, Ngoại trưởng Blinken chỉ trích: “Những gì họ [Taliban] đã làm là cố gắng kết án phụ nữ và trẻ em gái gái với một tương lai đen tối không có cơ hội.”

“Và điểm mấu chốt là không có quốc gia nào có thể thành công, càng không thể phát triển thịnh vượng, nếu họ từ chối cơ hội đóng góp của một nửa dân số của mình.”

Ngoại trưởng Blinken còn nhấn mạnh: “Và hiển nhiên, chúng tôi đang làm việc với các quốc gia khác về vấn đề này ngay bây giờ, [Taliban] sẽ phải trả giá nếu điều này không được đảo ngược, nếu điều này không thay đổi.” Tuy nhiên, ông không nói rõ các biện pháp nào có thể được áp đặt đối với Taliban.

Nền kinh tế phụ thuộc vào viện trợ của Afghanistan đã gặp rất nhiều khó khăn dưới các lệnh trừng phạt nặng nề của Hoa Kỳ và phương Tây sau khi Taliban tiếp quản quốc gia này vào năm ngoái trong bối cảnh Hoa Kỳ quyết định rút quân khỏi quốc gia Trung Á này, chấm dứt 20 năm chiếm đóng.

Để xoa dịu sự lo ngại sâu sắc của quốc tế về việc Taliban quay trở lại các chính sách khắc nghiệt mà tổ chức này đã áp dụng khi cầm quyền Afghanistan vào những năm 1990, Taliban ban đầu đã hứa hẹn thành lập một chính phủ ôn hòa hơn khi họ lên nắm quyền vào tháng 8/2021.

Tuy nhiên, động thái đình chỉ giáo dục đại học đối với phụ nữ của Taliban được công bố vào đầu tuần này đã khiến nhiều nước trên toàn thế giới phẫn nộ, bao gồm cả một số quốc gia đa số theo đạo Hồi. Các quốc gia này đã kêu gọi Taliban đảo ngược sắc lệnh này.

Hôm 22/12, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu lưu ý, lệnh cấm này của Taliban “không phải vì Hồi giáo, cũng không phải vì nhân đạo.”

Ngoại trưởng Cavusoglu giải thích: “Có hại gì trong việc học tập của phụ nữ. Có một lời giải thích nào liên quan đến Hồi giáo không? Ngược lại, tôn giáo của chúng tôi, Hồi giáo, không chống lại giáo dục; ngược lại, Hồi giáo khuyến khích giáo dục và khoa học.”

Tại thủ đô Kabul của Afghanistan, khoảng 50 người biểu tình, chủ yếu là phụ nữ, đã tập trung bên ngoài Đại học Kabul, giương biểu ngữ và hô vang: “Học tập là quyền của chúng tôi, các trường đại học phải được mở cửa cho chúng tôi.”

Ngày hôm trước, sinh viên tại Đại học Nangahar ở miền Đông Afghanistan cũng biểu tình và các nam sinh viên y khoa đã bước ra khỏi các kỳ thi để phản đối việc các bạn nữ của họ bị loại khỏi các kỳ thi này.

Taliban đã bảo vệ các biện pháp hạn chế của mình, biện minh rằng các biện pháp này nhằm bảo vệ “lợi ích quốc gia” và “danh dự” của phụ nữ.

Trong bình luận đầu tiên của mình về vấn đề này, Quyền Bộ trưởng Giáo dục Đại học Afghanistan Nida Mohammad Nadim giải thích với đài truyền hình nhà nước Afghanistan RTA rằng một số vấn đề đã dẫn đến quyết định này, bao gồm việc các sinh viên nữ không mặc trang phục Hồi giáo phù hợp và sự tương tác giữa các sinh viên khác giới.

Ông nhấn mạnh: “Họ [các sinh viên nữ] không đội khăn trùm đầu, họ mặc quần áo mà hầu hết phụ nữ mặc để đi dự đám cưới.”

Trong cuộc phỏng vấn, Quyền Bộ trưởng Nadim còn cho biết, các cuộc thảo luận về việc học tập của nữ giới vẫn đang diễn ra.

Trong khi đó, quyết định này của Taliban tiếp tục vấp phải sự chỉ trích rộng rãi của quốc tế. Hôm 22/12, trong một thông báo chỉ trích gay gắt sắc lệnh của Taliban, các quốc gia giàu có thuộc Nhóm G7 đã lên án, đàn áp giới tính có thể là tội ác chống lại loài người.

Tại Washington, Ngoại trưởng Blinken cũng cảnh báo, lệnh cấm này sẽ làm tổn hại đến bất kỳ cơ hội nào để Taliban cải thiện quan hệ của họ với các quốc gia khác.

Ông kết luận: “Bất kỳ triển vọng nào mà Taliban tìm kiếm để cải thiện quan hệ với thế giới, với cộng đồng quốc tế, đó là điều họ muốn và chúng tôi biết họ cần điều đó, [tuy nhiên] điều đó sẽ không xảy nếu họ tiếp tục đi con đường này.”

Nhật Minh (Theo Al Jazeera)