Ngày 28/6, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã bổ sung thêm 5 công ty ở Trung Quốc vào danh sách đen thương mại vì bị cáo buộc hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng và quân sự cho Nga, tăng cường thực thi các biện pháp trừng phạt Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.

Embed from Getty Images

Bộ Thương mại, cơ quan giám sát danh sách đen thương mại cho biết, các công ty bị nhắm mục tiêu đã cung cấp các mặt hàng cho “các thực thể đáng quan tâm” của Nga trước cuộc xâm lược ngày 24/2, và họ vẫn “tiếp tục ký hợp đồng cung cấp cho các thực thể Nga này cùng các bên bị trừng phạt.”

Cơ quan này cũng đưa thêm 31 thực thể vào danh sách đen từ các quốc gia bao gồm Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Lithuania, Pakistan, Singapore, Vương quốc Anh, Uzbekistan và Việt Nam, theo Công báo Liên bang. Trong tổng số 36 công ty được thêm vào, 25 công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

“Hành động ngày hôm nay gửi một thông điệp mạnh mẽ cho các thực thể và cá nhân trên toàn cầu rằng, nếu họ tìm cách hỗ trợ Nga, Hoa Kỳ cũng sẽ chế tài họ,” Thứ trưởng Thương mại phụ trách Công nghiệp và An ninh, Alan Estevez nêu rõ trong một tuyên bố.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không phản hồi về các cáo buộc nêu trên, nhưng họ tuyên bố Bắc Kinh không cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga hoặc Ukraine. Họ sẽ thực hiện “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ quyền lợi cho các công ty của mình, đồng thời chỉ trích các lệnh trừng phạt vi phạm luật pháp quốc tế.

Năm công ty ở Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Nga có trụ sở tại Hồng Kông bao gồm Connec Electronic Ltd., World Jetta, Logistics Limited, King Pai Technology và Winninc Electronic.

Việc các công ty này bị đưa vào danh sách đen có nghĩa là các nhà cung cấp của họ ở  Hoa Kỳ cần phải có giấy phép của Bộ Thương mại trước khi có thể giao hàng cho họ.

Mỹ đã cùng các đồng minh trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc xâm lược mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, bằng cách chế tài một loạt các công ty và nhà tài phiệt Nga, đồng thời đưa những người khác vào danh sách đen thương mại.

Trong khi trước đây các quan chức Mỹ nhìn nhận Trung Quốc nhìn chung đang tuân thủ các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng Washington tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ việc tuân thủ và thực thi nghiêm ngặt các quy định.

“Chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động nếu họ vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, bất kể họ đặt trụ sở ở đâu,” Trợ lý Bộ trưởng Thương mại phụ trách Quản lý Xuất khẩu, Thea Rozman Kendler nhấn mạnh trong cùng tuyên bố.

Minh Ngọc (Theo Reuters)