Ngày 4/11, Mỹ cáo buộc Nga và Trung Quốc đang bảo vệ cho Triều Tiên tránh khỏi hành động tiếp theo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và nói rằng hai quốc gia này đã “dốc sức” biện minh cho các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Albania, Ireland và Na Uy đã yêu cầu Hội đồng Bảo an họp ngày 4/11 sau khi Bình Nhưỡng bắn hàng loạt tên lửa, trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bị trục trặc.

Embed from Getty Images

“Các vị không thể từ bỏ trách nhiệm của Hội đồng Bảo an vì CHDCND Triều Tiên có thể bán cho các vị vũ khí để thúc đẩy cuộc xâm lược của các vị ở Ukraine, hoặc vì cho rằng họ tạo ra một vùng đệm lý tưởng trong khu vực để đối phó với Hoa Kỳ,” Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield phát biểu trước hội đồng trong khi đề cập đến Nga và Trung Quốc.

Các nhà ngoại giao cho hay, Nga và Trung Quốc không đồng thuận với bất kỳ hành động nào của hội đồng liên quan đến vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Đáp lại, Đại sứ Liên Hợp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) của Trung Quốc nhấn mạnh: “Hội đồng nên đóng một vai trò mang tính xây dựng hơn là luôn luôn căng thẳng gây áp lực. Trong hoàn cảnh hiện tại, hội đồng càng cần cố gắng giảm thiểu đối đầu, xoa dịu căng thẳng và thúc đẩy dàn xếp chính trị.”

Trước đó, ngày 3/11, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên. Ông kêu gọi Bình Nhưỡng “ngay lập tức không thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào nữa” và cũng phải nhanh chóng tiến hành các bước để nối lại các cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Từ lâu Hội đồng Bảo an đã cấm Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo, đồng thời tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng trong những năm qua nhằm cố gắng và cắt nguồn tài trợ cho các chương trình đó.

Nhưng trong những năm gần đây, tổ chức gồm 15 thành viên này đã bị chia rẽ về cách đối phó với Triều Tiên. Hồi tháng 5, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên về các vụ phóng tên lửa đạn đạo mới của nước này.

“Hội đồng Bảo an cần phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự leo thang,” trợ lý các vấn đề chính trị của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Khaled Khiari nói với hội đồng hôm 4/11, nhưng không nêu chi tiết cụ thể.

Đáng lưu ý, Trung Quốc và Nga đang thúc đẩy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vì lý do nhân đạo – và viện cớ họ hy vọng có thể thuyết phục được Bình Nhưỡng quay lại đàm phán.

Minh Ngọc (Theo Reuters)