Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cho biết chính quyền Biden đang đưa ra lệnh ngừng trục xuất tạm thời và cấp giấy phép lao động cho các công dân Myanmar sống ở Hoa Kỳ trong bối cảnh cuộc đảo chính vẫn đang diễn ra căng thẳng tại Myanmar, theo tin từ Reuters.

Quyết định này có nghĩa là khoảng 1.600 người Myanmar đã ở Hoa Kỳ, bao gồm cả các nhà ngoại giao đã phản đối sự cầm quyền của quân đội, sẽ đủ điều kiện để được hưởng Tình trạng Được Bảo vệ Tạm thời (TPS) trong 18 tháng, hai quan chức chính quyền nói với Reuters.

Chương trình cấp cho những người nhập cư không thể trở về quốc gia của họ một cách an toàn, vì các lý do như thiên tai hoặc xung đột vũ trang, khả năng ở lại và làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ trong một thời hạn xác định và có thể được gia hạn.

Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết: “Do cuộc đảo chính quân sự và bạo lực tàn khốc của lực lượng an ninh đối với dân thường, người dân Myanmar đang phải chịu một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp và tồi tệ”.

Chỉ những người đã cư trú tại Hoa Kỳ và có thể chứng minh tình trạng cư trú liên tục đến ngày 11/3/2021 mới đủ điều kiện tham gia chương trình này.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết tình hình ở Myanmar sau cuộc đảo chính của quân đội đã ngăn cản người quay trở lại, với lý do lực lượng an ninh đàn áp bạo lực, giam giữ tùy tiện và điều kiện nhân đạo ngày càng tồi tệ.

Thomas Andrews, điều tra viên nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Myanmar hôm thứ Năm cho biết quân đội chính quyền đã giết ít nhất 70 người và giam giữ hơn 2.000 người.

Một số nhà ngoại giao Myanmar tại Mỹ đã lên tiếng công khai chống lại quân đội, trong đó có Đại diện Thường trực Liên hợp quốc Kyaw Moe Tun.

Những nhà ngoại giao “dũng cảm tham gia phong trào bất tuân dân sự với tình đoàn kết với đồng hương ở quê nhà” sẽ có thể ở lại Hoa Kỳ theo chương trình này, theo một quan chức ngoại giao.

Phía Mỹ cũng cho biết trừ khi quân đội đảo ngược tình hình, nếu không sẽ phải hứng chịu nhiều hành động trừng phạt hơn. “Nếu họ không khôi phục nền dân chủ và chấm dứt bạo lực đối với dân thường, thì chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hành động … chống lại các nhà lãnh đạo quân sự và mạng lưới tài chính của họ,” một quan chức nói.

Tháng trước, ông Joe Biden đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với những người chịu trách nhiệm về việc lật đổ chính phủ dân sự của quốc gia Đông Nam Á này, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng và ba công ty trong lĩnh vực ngọc bích và đá quý.

Đầu tuần này, Washington tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai người con của nhà lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing và sáu công ty mà họ kiểm soát.

Nhưng đến nay, Mỹ vẫn chưa đả động đến các tập đoàn quân sự như Myanmar Economic Corporation và Myanmar Economic Holdings Limited – nằm trong số những tập đoàn được quân đội sử dụng để kiểm soát phần lớn nền kinh tế.

Xuân Lan (theo Reuters)

Xem thêm: