Chính phủ Mỹ hôm thứ Hai (22/4) đã yêu cầu những đối tác mua dầu của Iran phải dừng mua vào ngày 1/5 hoặc đối mặt trừng phạt. Động thái này của Washington sẽ bóp nghẹt doanh thu dầu của Tehran và đã khiến giá dầu thô thế giới tăng cao nhất trong sáu tháng qua.

Embed from Getty Images

Một mỏ dầu Iran. (Ảnh: Kaveh Kazemi/Getty Images)

Theo Reuters, chính quyền Trump hôm thứ Hai (22/4) đã nói rằng họ sẽ không gia hạn các ngoại lệ ban hành năm ngoái cho một số nhà nhập khẩu dầu của Iran.

Vào tháng 11/2018, Mỹ đã tái áp đặt chế tài lên ngành dầu mỏ Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 mà Iran ký với 6 cường quốc thế giới. Cùng với việc ban hành chế tài, Washington đã cấp quyền miễn trừ 6 tháng cho 8 nền kinh tế gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Hy Lạp.

Bất chấp thông báo mới nhất của Mỹ, Iran vẫn duy trì thách thức. Chế độ Tehran phát đi tuyên bố nói rằng họ đã chuẩn bị cho việc chấm dứt miễn trừ, trong khi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đã lặp lại đe dọa sẽ đóng Eo biển Hormuz – kênh vận tải dầu mỏ chính tại Vùng Vịnh, theo truyền thông Iran loan tin.

Đồng thời với việc thông báo không gia hạn miễn trừ, chính quyền Trump nói rằng họ đang làm việc với các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu là Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất (UAE) để đảm bảo thị trường dầu thế giới “được cung ứng đủ”.

Tính từ khi Mỹ tái áp đặt chế tài lên Iran, xuất khẩu dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo này đã giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày so với sản lượng xuất khẩu 2,5 triệu thùng/ngày trước tháng Mười Một năm ngoái.

Trong tuyên bố hôm thứ Hai (22/4), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rằng “chúng tôi sẽ cho về không với tất cả các bên” và khẳng định Mỹ không có kế hoạch cấp thêm giai đoạn ân hạn cho việc tuân thủ sau ngày 1/5.

Một quan chức chính quyền Trump giấu tên nói với Reuters rằng Tổng thống Trump tự tin Ả Rập Saudi và UAE sẽ thực hiện đầy đủ cam kết của họ để bù đắp cho khoản thiếu hụt nguồn cung dầu từ Iran. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Tài nguyên Năng lượng Frank Fannon cho biết Riyadh đang thực hiện “các bước tích cực” để đảm bảo thị trường dầu mỏ toàn cầu được cung ứng đủ.

Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (22/4), Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih đã không cam kết sẽ tăng sản lượng khai thác dầu. Ông al-Falih cho biết Ả Rập Saudi “đang theo dõi tiến triển của thị trường” sau tuyên bố của Mỹ và họ sẽ phối hợp với các nhà khai thác dầu mỏ khác để đảm bảo một thị trường cân bằng. Khối OPEC dự kiến sẽ có cuộc họp toàn thể vào tháng Sáu tới.

Theo ghi nhận của Reuters, giá dầu thô Brent quốc tế hôm 22/4 đã tăng lên hơn 74 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, trong khi giá dầu thô Mỹ đạt đỉnh 65,92 USD/thùng – mức cao nhất từ tháng 10/2018.

Trong số 8 nước sẽ bị rút lại quyền miễn trừ, Ý, Hy Lạp và Đài Loan đã dừng mua dầu của Iran. Ngoại giới đánh giá quyết định của Mỹ sẽ gây thách thức lớn cho Trung Quốc, Ấn Độ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo thường nhật hôm 22/4 đã nói rằng Bắc Kinh phản đối các chế tài đơn phương của Washington chống lại Iran và khẳng định hợp tác song phương giữa Trung Quốc và Iran là phù hợp với luật pháp.

Chính phủ Ấn Độ từ chối bình luận về thông báo mới của Mỹ, nhưng các nhà tinh chế dầu của nước này đã đang tìm nguồn cung thay thế cho dầu thô Iran.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này nói rằng chính phủ Seoul đã đang đàm phán với Washington ở tất cả các cấp độ để gia hạn miễn trừ và nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục thực hiện mọi nỗ lực để phản ánh lập trường của mình cho tới hạn chót 1/5.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Nhật Bản ở Washington đã nói Tokyo không có dự định bình luận về quyết định của Mỹ, nhưng các quan chức Nhật Bản nói vấn đề Iran đã được thảo luận tại một cuộc gặp giữa ngoại trưởng Nhật Bản và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Sáu tuần trước.

Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe sẽ thăm chính thức Mỹ và hội đàm với Tổng thống Donald Trump vào thứ Sáu (26/4). Hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật dự kiến sẽ tập trung thảo luận vấn đề Bắc Hàn, những thách thức đặt ra từ sự nổi lên của Trung Quốc và có thể cũng đề cập tới vấn đề dầu mỏ Iran.

Xuân Thành