Sau những diễn biến xung đột giữa Chính phủ Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên quan đến việc Bắc Kinh thanh trừng Hồng Kông suốt từ năm ngoái đến nay, mới đây Bắc Kinh lại thúc đẩy làm luật để sửa đổi hệ thống bầu cử của Hồng Kông và như thông lệ, Mỹ lại đáp trả bằng cách chế tài hàng loạt quan chức ĐCSTQ và Hồng Kông. Lý do vì sao Bắc Kinh lại “truy cùng diệt tận” đối với Hồng Kông?

hong kong shutterstock 1011334393
(Ảnh minh họa: FS11 / Shutterstock).

“Truy cùng diệt tận” Hồng Kông bất chấp chế tài của Mỹ

Hãng tin AP ngày 17/3 đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với 24 quan chức ĐCSTQ và Hồng Kông, bất kỳ tổ chức tài chính nước ngoài nào làm ăn với 24 quan chức này sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, hiện đang thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, cho biết rằng các lệnh trừng phạt phản ánh “quan tâm sâu sắc” của Mỹ trong việc, quyền tự trị của Hồng Kông bị vi phạm khi tuần trước Quốc hội (Đại hội Đại biểu Nhân dân) của ĐCSTQ thông qua sửa đổi bầu cử tại Hồng Kông.

Trên đây chỉ là diễn biến mới nhất trong trò chơi quyền lực của ĐCSTQ nhắm vào Hồng Kông đã kéo dài, đặc biệt kể từ giữa năm ngoái khi chính quyền Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông (ngày 30/6/2020). Căn cứ vào luật này, chính quyền Hồng Kông đã bắt giữ hàng loạt nhà đấu tranh dân chủ và những người bất đồng chính kiến, buộc nhiều người phải chạy ra nước ngoài.

Khi đó chính quyền Mỹ thời ông Trump đã đáp trả bằng cách thông qua “Luật Tự trị Hồng Kông” (Hồng Kông Autonomy Act), và tháng 10/2020 đã trừng phạt 10 quan chức của ĐCSTQ và Hồng Kông liên quan, bao gồm Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Vấn đề Hồng Kông và Macao của ĐCSTQ là Trương Hiểu Minh. Sau đó đến tháng 12/2020, chính quyền ông Trump tiếp tục trừng phạt thêm 14 Phó Ủy viên trưởng Ban Thường vụ Quốc hội của ĐCSTQ; biện pháp trừng phạt là đóng băng tài sản của họ, cấm các quan chức đó cùng thành viên gia đình trực tiếp của họ nhập cảnh vào Mỹ, và cấm mọi công ty cũng như tổ chức hoặc công dân Mỹ giao dịch với họ.

Nhận định của nhà quan sát

Về tầm quan trọng của Hồng Kông đối với phe ông Tập Cận Bình, nhà bình luận Nhậm Trọng Đạo (Ren Zhongdao) của nhóm dân sự “Kinh tế chính trị Thiên Vận” có phân tích rằng, Hồng Kông thành nạn nhân trong cuộc chiến quyền lực của Trung Nam Hải.  

Lý do vì Hồng Kông là một trung tâm tài chính quốc tế và một cảng thương mại tự do, 70% vốn đầu tư quốc tế vào Trung Quốc Đại Lục thông qua Hồng Kông; Hồng Kông cũng là một trung tâm thanh khoản hải ngoại của đồng Nhân dân tệ, nguồn tài chính và các hoạt động vốn khác nhau ở bên ngoài của Trung Quốc Đại Lục được thực hiện ở Hồng Kông. Ngoài ra, Hồng Kông luôn là điểm trung chuyển tiền ra ngoài ưu tiên nhất của giới quan chức và doanh nhân Trung Quốc Đại Lục.

Do đó, các cựu quan to ĐCSTQ phái Giang (Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Trương Đức Giang…) đã cài cắm nuôi dưỡng một số lượng lớn các quan chức thân tín trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị của Hồng Kông.

Vì để ngăn chặn phái Giang, phe lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình mới quyết tâm thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, bao gồm việc thành lập Cơ quan An ninh Quốc gia ở Hồng Kông và Hội đồng An ninh Quốc gia Hồng Kông. Điều này cho thấy, Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương ĐCSTQ dưới tay ông Tập đã tham gia rất sâu vào Hồng Kông và Macao, đã vô hiệu hóa vai trò của ông Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Hàn Chính và biến bà Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thành con rối.

Ngoài ra tại Đại Lục, ông Tập đã thúc đẩy điều tra về tham nhũng than ở Nội Mông với thời gian kéo đến tận 20 năm trước để “thanh lọc bộ máy” quan chức; đồng thời trên cơ sở kiểm soát “báng súng” (phe quân đội) cũng như nắm chặt “cán dao” (phe công an), đã không ngừng làm trong sạch hệ thống chính trị và luật pháp (bao gồm cả Bộ Công an).

Một mặt trận khác được chính quyền Bắc Kinh của ông Tập thúc đẩy gần đây là việc kiểm soát “túi tiền” trong tay phái Giang, và qua đó bằng mọi giá bịt “lỗ hổng” Hồng Kông: chấn chỉnh hệ thống tài chính nhắm vào những đối tượng có quan hệ mật thiết với thế lực phái Giang như Alibaba của Mã Vân, Dalian Wanda của Vương Kiến Lâm (Wang Jianlin), và Hainan Airlines của Trần Phong; Boyu Capital của Giang Chí Thành (cháu ông Giang Trạch Dân).

Nguyên Đức, Vision Times

Xem thêm: