Chính phủ Mỹ hôm thứ Ba (25/6) đã công bố vòng chế tài mới áp đặt lên các quan chức Venezuela. Động thái này diễn ra vài giờ trước khi Tổng thống Donald Trump chỉ trích gay gắt chế độ xã hội chủ nghĩa Maduro trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Embed from Getty Images

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73.

Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 25/9 đã thông báo chế tài bà Cilia Adela Flores de Maduro, phu nhân của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, cùng nhiều quan chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu thân tín với lãnh đạo Đảng Xã hội chủ nghĩa cầm quyền.

Phó Tổng thống Delcy Rodriguez và Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino có tên trong danh sách 6 quan chức thân tín của ông Maduro bị Mỹ chế tài lần này. Washington cũng “phong tỏa” một máy bay phản lực tư nhân Gulfstream 200 trị giá 20 triệu USD tại Florida, được xác định thuộc sở hữu của Phó Chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa Diosdado Cabello. Ông Cabello bị cáo buộc có liên quan tới hoạt động buôn lậu ma túy.

Trong một thông báo trên truyền thông về vòng chế tài mới, Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý rằng biện pháp này nhằm mục đích thay đổi cách hành xử của các quan chức Venezuela và có thể được dỡ bỏ nếu những người bị chế tài “thực hiện các hành động cụ thể và có ý nghĩa để khôi phục trật tự dân chủ, từ chối tham gia vào lạm dụng nhân quyền và lên tiếng chống lại các hoạt động lạm dụng do chính quyền Maduro thực hiện, và đấu tranh với tham nhũng tại Venezuela”.

Cũng theo Reuters, chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo áp đặt chế tài mới lên các quan chức thân tín của Maduro, Tổng thống Trump đã kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Quốc gia nhập cùng với Mỹ trong nỗ lực khôi phục nền dân chủ tại Venezuela.

Phát biểu trước phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Trump cho hay: “Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến thảm kịch nhân đạo tại Venezuela. Hơn 2 triệu người đã trốn chạy khỏi nỗi đau khổ do chế độ Maduro và nhà bảo trợ Cuba gây ra”.

Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng: “Hầu như ở khắp nơi mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản được thử nghiệm, nó đã đem tới sự đau khổ, tham nhũng và đổ nát. Sự thèm khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội đã dẫn tới sự bành trướng, xâm lược và áp bức. Tất cả các quốc gia trên thế giới nên chống lại chủ nghĩa xã hội và sự đau khổ mà nó mang đến cho mọi người”.

Kể từ khi kế nhiệm cố Tổng thống Hugo Chavez, ông Nicolas Maduro đã thực hiện nhiều thủ đoạn để củng cố quyền kiểm soát quốc gia giàu dầu mỏ như bắt giam các nhà lãnh đạo đối lập, hạn chế quyền hạn của cơ quan lập pháp và tạo ra một Quốc hội khác với các quyền lực vô hạn.

Đa số người dân Venezuela hiện nay gần như không thể mua được thực phẩm và thuốc men thiết yếu và tỷ lệ lạm phát đã lên mức 200.000%, dẫn tới đông đảo người dân Venezuela phải trốn chạy sang các nước láng giềng để mưu sinh.

Theo các tổ chức di cư và tị nạn của Mỹ, hơn 2,3 triệu người Venezuela đang sống ở nước ngoài, trong đó khoảng 1,6 triệu người trốn chạy khỏi đất nước này từ năm 2015.

Tổng thống Maduro phủ nhận số liệu về người di cư Venezuela do quốc tế công bố và mới đây đã nói rằng chỉ có 600.000 người dân rời khỏi đất nước và 9 trong 10 người ra đi đang muốn quay trở về.

Ông Maduro luôn tuyên bố rằng ông là nạn nhân của một cuộc chiến tranh kinh tế do Mỹ tiến hành. Lãnh đạo xã hội chủ nghĩa cũng biện giải cho việc đàn áp phe đối lập bằng việc cáo buộc họ nỗ lực ám sát ông.

Theo Reuters, Tổng thống Trump cho rằng chế độ Maduro có thể sẽ bị quân đội Venezuela “lật đổ nhanh chóng”. Ông Trump cũng không loại trừ khả năng Mỹ sẽ can thiệp vũ trang để khôi phục nền dân chủ tại quốc gia vốn từng là một trong những nơi thịnh vượng nhất Nam Mỹ.

Yên Sơn

Xem thêm: