Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Sáu (6/4) đã phát đi thông báo chế tài 7 tài phiệt, 17 quan chức chính phủ và hàng chục công ty Nga thân cận với Tổng thống Putin. Những cá nhân và tổ chức này bị cáo buộc có “hoạt động gây hại toàn cầu”, bao gồm chiến tranh thông thường, tấn công mạng và nỗ lực lật đổ các nền dân chủ phương Tây.

Embed from Getty Images

Tỷ phú Oleg Deripaska (phải) là một trong những trợ thủ thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Theo BBC, trong danh sách các cá nhân và thực thể Nga bị Bộ Tài chính Mỹ chế tài lần này có 7 tài phiệt, 12 công ty do các tài phiệt nắm giữ, 17 quan chức chính phủ, 1 công ty nhà nước về xuất khẩu vũ khí và một ngân hàng.

Trong tuyên bố hôm thứ Sáu (6/4), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng biện pháp trừng phạt này nhắm mục tiêu vào các cá nhân và tổ chức đang kiếm lợi từ “hệ thống tham nhũng” của chính quyền Nga.

Ông Mnuchin cho hay động thái này của Mỹ là một phản ứng đáp trả lại cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống năm 2016. Đây cũng là các biện pháp trừng phạt cho việc Nga xâm lược Crimea của Ukraine và cung cấp vũ khí cho chế độ Assad tại Syria.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ đổ lỗi cho chính phủ Nga đứng sau các hoạt động mạng “độc hại” trên toàn cầu và cáo buộc chế độ Putin đang đem lại lợi ích cho các tài phiệt.

Chính phủ Nga hoạt động vì lợi ích quá đáng của các tài phiệt”, ông Mnuchin nói trong tuyên bố hôm thứ Sáu.

EpochTimes, dẫn nguồn tin từ một quan chức cấp cao trong chính quyền Trump giấu tên, cho biết hành động hôm thứ Sáu đã được Washington lên kế hoạch trong một khoảng thời gian đáng kể và có phối hợp với các đồng minh Châu Âu.

Bảy tài phiệt thân cận với ông Putin bị Mỹ chế tài lần này gồm các ông Viktor Vekselberg, Andrei Skoch, Kirill Shamalov, Igor Rotenberg, Suleiman Kerimov, Oleg Deripaska và Vladimir Bogdanov.

Ông Oleg Deripaska là tỷ phú ngành nhôm. Nhân vật thân cận của ông Putin này từng có mối quan hệ với ông Paul Manafort – cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Ông Deripaska đã từng bị cáo buộc về việc đe dọa giết hại các đối thủ kinh doanh, nghe lén các quan chức chính quyền, rửa tiền, tống tiền và gian lận thương mại. Ông này bị buộc tội liên quan đến một nhóm tội phạm có tổ chức và đã bị cáo buộc ra lệnh ám sát một doanh nhân.

Ông Suleiman Kerimov được cho là một trong những người giàu nhất nước Nga với khối tài sản ước tính 6,3 tỷ USD. Gia đình ông Kerimov kiểm soát công ty Polyus – hãng sản xuất vàng lớn nhất Nga. Vào tháng 11 năm ngoái, tỷ phú Kerimov đã bị giới chức Pháp điều tra vì nghi ngờ trốn thuế.

Trong số các quan chức bị chế tài có ông Alexander Torshin. Ông này được cho là có quan hệ gần gũi với Hiệp hội Súng trường Quốc gia Mỹ (NRA).

Danh sách chế tài lần này cũng có cận vệ thân cận của ông Putin, cũng chính là con rể của ông, người đang lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Nga. Ngoài ra, cựu thủ tướng Viktor Zubkov cũng có tên trong danh sách bị trừng phạt.

EpochTimes cho biết các cá nhân và tổ chức trong danh sách chế tài sẽ bị phong tỏa tài sản mà Mỹ có thẩm quyền kiểm soát. Bộ Tài chính Mỹ cũng cấm công dân nước này kinh doanh với các cá nhân và tổ chức Nga bị trừng phạt.

Đây được cho là hành động hung hăng nhất mà chính phủ Trump đưa ra chống lại Moscow kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào cuối tháng 1/2017.

Phản ứng với động thái của Mỹ, Nga đã phát đi tuyên bố thề rằng họ sẽ “đáp trả cứng rắn” với các chế tài mới từ Washington.

Bộ Ngoại giao Nga cho hay: “Chúng tôi sẽ không để sự việc hiện tại và bất kỳ cuộc tấn công chống Nga mới nào diễn ra mà không có đáp trả cứng rắn”.

Chúng tôi muốn khuyên Washington hãy bỏ đi sớm nhất có thể những ảo tưởng về việc họ có thể nói chuyện với chúng tôi theo ngôn ngữ chế tài”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Vào sáng thứ Sáu (6/4), Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng đã tuyên bố rằng các chế tài của Washington là sai lầm.

Trên Facebook của Đại sứ quán Nga cho biết: “Chúng tôi được thông báo rằng các biện pháp này không nhằm chống lại nhân dân Nga, nhưng chúng đúng là như thế”. Cơ quan này cũng gọi các chế tài là “một đòn mới đánh vào quan hệ Nga – Mỹ”.

Công ty xuất khẩu vũ khí của nhà nước Nga Rosoboronexport – một trong các doanh nghiệp bị chế tài, nói rằng các biện pháp trừng phạt được đưa ra nhằm loại bỏ Nga khỏi thị trường vũ khí toàn cầu.

Một phát ngôn viên của công ty Rosoboronexport nói với Reuters rằng: “Đây là cạnh tranh không lành mạnh dưới hình thức thuần túy nhất”.

Vào tháng trước, Mỹ cũng đã áp đặt chế tài lên 19 công dân Nga, cáo buộc họ can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 và tấn công mạng.

Mới đây, chính quyền Trump đã trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga để đáp trả việc cựu điệp viên hai mang người Nga Skripal và con gái bị hạ độc tại Anh hồi đầu tháng Ba.

Yên Sơn (T/h)

Xem thêm: