Hai năm qua, Mỹ đã khởi động nhiều chế tài đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Có khoảng khoảng 300 doanh nghiệp liên quan, phạm vi bao phủ nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ cao, xây dựng, v.v. Chế tài đối với doanh nghiệp Trung Quốc đang trở thành phương pháp gây áp lực quan trọng cả về quân sự lẫn ngoại giao mà Mỹ sử dụng, hơn nữa chính quyền Bắc Kinh khó có thể đáp trả. 

bo thuong mai my shutterstock 613021358
Trụ sở Bộ Thương mại Mỹ (Ảnh: bakdc / Shutterstock).

Nguyên nhân Mỹ chế tài doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền tại Hồng Kông, Tân Cương và cả vấn đề Biển Đông.

Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) dựa theo trình tự thời gian, đã liệt kê một bộ phận chế tài của Mỹ trong hai năm qua.

Ngày 26/8/2020, Mỹ áp lệnh chế tài đối với 24 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, trong đó có cả công ty con của Công ty Xây dựng giao thông Trung Quốc. Nguyên nhân là những doanh nghiệp này phối hợp giúp Bắc Kinh quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố, cấm những người liên quan và người nhà của họ nhập cảnh vào Mỹ.

Ngày 17/8/2020, Bộ Thương mại Mỹ mở rộng biện pháp chế tài, liệt 38 công ty con của Huawei nằm ở 21 quốc gia vào danh sách đen. Tháng 5/2019, Huawei lần đầu tiên bị Mỹ liệt vào danh sách thực thể kiểm soát xuất khẩu. Đến nay, tổng cộng đã có 152 công ty con nằm trong danh sách. Biện pháp hạn chế mới của Mỹ để ngăn chặn Huawei có được chất bán dẫn trong tình huống không có giấy phép đặc biệt, bao gồm cả chip bán dẫn do công ty nước ngoài (không phải Mỹ) sản xuất, nhưng lại sử dụng phần mềm và công nghệ Mỹ.

Ngày 20/7, Bộ Thương mại Mỹ tăng thêm 11 doanh nghiệp trung quốc trong danh sách thực thể, nguyên nhân là những doanh nghiệp này phối hợp với chính phủ Bắc Kinh xâm phạm nhân quyền, bắt bớ tùy tiện trên quy mô lớn và sử dụng lao động cưỡng bức, cưỡng chế thu thập dữ liệu sinh trắc học người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Ngày 5/6, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, 29 tổ chức và cá nhân hỗ trợ Trung Quốc mua sắm trang thiết bị quân dụng, 9 cơ quan của Trung Quốc xâm phạm nhân quyền Tân Cương sẽ bị liệt vào danh sách thực thể kiểm soát xuất khẩu. Trong đó có Trung tâm Giám định vật chứng Bộ Công an Trung Quốc, Trung tâm nghiên cứu Khoa học máy tính Bắc Kinh, công ty bảo mật internet Qihoo 360, công ty phát triển phần mềm nhận dạng khuôn mặt CloudWalk Technology, công ty trí tuệ nhân tạo NetPosa Technologies, v.v.

Ngày 19/5, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, thực thi chế tài đối với công ty dịch vụ hậu cần quốc tế Shanghai Saint Logistics có trụ sở chính tại Trung Quốc. Công ty này bị báo buộc đại diện nghiệp vụ cho hãng hàng không Iran là Mahan Air tại Trung Quốc; Mahan Air đã bị Mỹ liệt vào danh sách đen chống khủng bố năm 2011.

Ngày 8/10/2019, Bộ Thương mại Mỹ liệt 28 doanh nghiệp Trung Quốc vào danh sách thực thể, cấm những doanh nghiệp này mua hàng hóa của Mỹ. Trong đó có các công ty công nghệ như Hikvision, iFlytek, Questyle Audio, v.v. Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp liên quan đến các cơ quan chính quyền địa phương, cơ quan công an, cũng bị liệt vào danh sách đen.

Ngày 21/6/2019, Bộ Thương mại Mỹ liệt 5 công ty Trung Quốc bao gồm Sugon, Higon, Tianjin Haiguang Pharmaceutical, Chengdu Haiguang Microelectronics Technology, Wuxi Jiangnan Institute of Computing Technology, vào danh sách thực thể.

Ngày 15/5/2019, Bộ Thương mại Mỹ liệt Huawei và 70 công ty liên quan đến Huawei vào danh sách thực thể.

Ngày 29/10/2018, Bộ Thương mại Mỹ chế tài Fujian Jinhua Integrated Circuit, nguyên nhân là doanh nghiệp này cấu thành rủi ro lớn đến năng lực kinh tế lâu dài của các nhà cung cấp linh kiện quan trọng cho hệ thống quân đội Mỹ.

Ngày 1/8/2018, xuất phát từ cân nhắc đến an ninh quốc gia và lợi ích ngoại giao, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt 44 doanh nghiệp Trung Quốc (8 đơn vị và 36 cơ quan trực thuộc) vào danh sách thực thể, thực thi phong tỏa công nghệ, doanh nghiệp liên quan chủ yếu là về công nghệ công nghiệp quân sự.

Ngoài những doanh nghiệp Trung Quốc bị liệt vào danh sách thực thể và kiểm soát xuất khẩu, những ứng dụng Trung Quốc như TikTok, WeChat, v.v, kinh doanh tại Mỹ gần đây cũng bị để ý tới.

Về vấn đề các công ty Trung Quốc bị Mỹ chế tài, hồi tháng 5/2019, Bộ Thương mại Trung Quốc từng tuyên bố sẽ xây dựng “danh sách thực thể không đáng tin cậy”, liệt những doanh nghiệp nước ngoài cắt đứt nguồn cung cho doanh nghiệp Trung Quốc xuất phát từ mục đích phi thương mại, nhưng đến nay vẫn chưa thấy công bố danh sách và biện pháp thực thi cụ thể.

Theo phân tích của CNA, về phương diện chế tài doanh nghiệp, những quân cờ mà chính quyền Bắc Kinh có thể dùng là không nhiều. Tháng Bảy năm nay, do Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn bán tên lửa Patriot III (PAC-3) với tổng trị giá 620 triệu USD cho Đài Loan, Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ chế tài nhà thầu chính Lockheed Martin, nhưng sau đó cũng không nói chi tiết về chế tài.

Chế tài gần đây của Mỹ là để phản đối việc chính quyền Bắc Kinh liên tiếp gia tăng xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa thiết bị trên các đảo này trên Biển Đông.

Trên mạng internet cộng đồng người Hoa có quan điểm cho rằng, điều này khác với chế tài đối với các doanh nghiệp công nghệ cao. Mặc dù 24 doanh nghiệp xây dựng đảo trên Biển Đông sẽ không lập tức đối mặt với rủi ro sinh tồn do lệnh chế tài, nhưng lại có ý nghĩa cảnh cáo đối với tầng quyết sách quốc gia của chính quyền Bắc Kinh.

Quan điểm nói trên cho biết, nếu tương lai trong quá trình Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy xây dựng “một vành đai, một con đường”, khi bị Mỹ phát hiện ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích ngoại giao, thì phương pháp chế tài tương tự cũng sẽ được thực thi với các doanh nghiệp chính liên quan đến dự án “một vành đai, một con đường”.

Tĩnh Hinh

Xem thêm: