Chính quyền Biden sẽ không liệt bất kỳ nước nào là quốc gia thao túng tiền tệ, nhưng họ nêu tên Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan nằm trong số các nước đã đang không tuân thủ các thỏa thuận quốc tế về việc không được sử dụng đồng tiền quốc gia mình để thu lợi ích thương mại không công bằng, theo AP và Reuters đưa tin căn cứ vào báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ.

Embed from Getty Images

Trong báo cáo 6 tháng/lần gửi Quốc hội Mỹ hôm thứ Sáu (3/12), Bộ Tài chính Mỹ đã dẫn ra Trung Quốc không minh bạch với các đối tác thương mại nước ngoài để họ có hiểu biết đầy đủ về cách chế độ cộng sản này quản lý đồng tiền quốc nội – đồng nhân dân tệ.

Bộ Tài chính Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động trao đổi ngoại hối của các ngân hàng nhà nước Trung Quốc nhằm thu thập được bức tranh rõ ràng hơn về các thực hành tiền tệ của Trung Quốc, theo báo cáo.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết Việt Nam và Đài Loan đã đang vi phạm nhiều tiêu chí do Mỹ đặt ra đủ để bị liệt là quốc gia thao túng tiền tệ. Phía Mỹ sẽ giám sát chặt chẽ cả Việt Nam và Đài Loan trong những tháng tới để xem hai nước có đạt được bất kỳ tiến triển nào trong thực hành chính sách tiền tệ của họ hay không.

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ cũng xếp 12 nước vào danh sách giám sát để kiểm soát chặt chẽ. 12 nước này gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Mexico và Thụy Sĩ. Các nước này đáp ứng 2/3 tiêu chí của Mỹ về gắn nhãn “thao túng tiền tệ”.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ kết luận rằng không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2021 tìm cách Mỹ thao túng tỷ giá vì mục đích ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hoặc giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trong ngoại thương.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam và Đài Loan để giải quyết các quan ngại của Mỹ. Bộ này cũng nói rằng họ “hài lòng với những tiến triển mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay” và phía Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Đài Loan mà hai bên đã khởi động từ hồi tháng Năm.

Hồi tháng Bảy, Mỹ đã rút lại đe dọa sẽ áp đặt thuế quan lên hàng hóa Việt Nam sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đồng ý với Bộ Tài chính Mỹ về việc dừng thao túng tiền tệ và minh bạch hơn các chính sách quản lý tỷ giá hối đoái.

Theo Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường Thương mại năm 2015 của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ sẽ căn cứ vào 3 tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ để liệt một quốc gia là “thao túng tiền tệ”.

Trong báo cáo tháng 12/2020, phía Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết Việt Nam cùng Thụy Sĩ đáp ứng 3 tiêu chí trên nên bị gắn nhãn “thao túng tiền tệ”. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Quốc hội hồi tháng 4/2021, Bộ Tài chính Mỹ của Tổng thống Joe Biden đã gỡ nhãn “thao túng tiền tệ” đối với cả Việt Nam và Thụy Sĩ.

Một quốc gia bị liệt là “thao túng tiền tệ” theo luật Mỹ sẽ không mặc định bị trừng phạt ngay lập tức, nhưng Bộ Tài chính Mỹ sẽ thực hiện đàm phán với quốc gia đó nhằm nỗ lực yêu cầu họ thay đổi chính sách tiền tệ.

Nếu các cuộc đàm phán giữa Mỹ và quốc gia bị liệt là “thao túng tiền tệ” thất bại, thì chính phủ Mỹ có thể áp đặt các chế tài thương mại. Quốc gia bị chế tài có quyền kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đức Thiện (Theo ReutersAP)

Xem thêm: