Chính quyền cộng sản Trung Quốc gần đây đã phát tín hiệu họ có thể tận dụng sự thống trị của mình về khoáng sản đất hiếm để làm đòn bẩy trong ngoại giao, làm dấy lên hồi chuông cảnh báo tại Mỹ. Mối đe dọa này đã khiến chính quyền Biden phải hành động để giảm việc Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc về các loại kim loại đất hiếm vốn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ điện thoại thông minh, xe điện cho đến máy bay chiến đấu.

Embed from Getty Images

Năm 1992, nhà lãnh đạo Trung Quốc thời đó Đặng Tiểu Bình đã dự đoán tầm quan trọng của đất hiếm đối với tương lai của Trung Quốc với một câu nói nổi tiếng: “Trung Đông có dầu mỏ. Trung Quốc có đất hiếm.”

Ngày nay, Trung Quốc là nhà cung cấp thống trị toàn cầu về đất hiếm. Đất hiếm là một nhóm gồm có 17 nguyên tố hóa học được sử dụng để sản xuất các chi tiết quan trọng trong các ngành công nghệ thiết yếu, do đó nó có thể dễ dàng được sử dụng làm vũ khí chống lại các nước khác trong một cuộc chiến thương mại hoặc một cuộc xung đột.

Bắc Kinh đã chứng minh rằng họ có thể sử dụng các nguyên tố đất hiếm như một chiến thuật trả đũa. Năm 2010, Trung Quốc đã đột ngột ngừng xuất khẩu các nguyên tố này sang Nhật Bản trong thời gian xung đột giữa hai nước liên quan đến tàu đánh cá của Trung Quốc. Và vào đỉnh điểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Bắc Kinh đã tìm cách sử dụng việc xuất khẩu đất hiếm như “vũ khí phản công” chống lại Washington.

Gần đây nhất, các quan chức chính quyền cộng sản Trung Quốc được cho là đã tìm hiểu xem liệu việc ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ có thể làm tê liệt việc sản xuất máy bay chiến đấu F-35 hay không.

Đối mặt với nguy cơ mất đi nguồn cung cấp nguyên liệu đất hiếm, chính quyền Biden hiện đang tìm cách để giảm sự phụ thuộc sâu sắc vào Trung Quốc. Ngày 24/2, Tổng thống Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp để “giúp tạo các chuỗi cung ứng linh hoạt và an toàn hơn đối với các mặt hàng thiết yếu và quan trọng.”

Lệnh này tập trung vào việc giải quyết các điểm nghẽn trong các chuỗi cung ứng của bốn sản phẩm quan trọng, bao gồm khoáng sản đất hiếm, chip bán dẫn, pin dung lượng lớn cho xe điện và nguyên liệu dược phẩm.

Lệnh này chỉ đạo các cơ quan liên bang tiến hành ngay lập tức một cuộc đánh giá trong 100 ngày để xác định các rủi ro và lỗ hổng trong các chuỗi cung ứng các sản phẩm quan trọng này.

Theo cô Julie Swann, chuyên gia về chuỗi cung ứng, trưởng khoa công nghiệp và kỹ thuật hệ thống của Đại học Bang Carolina, đây là những sản phẩm mà điểm yếu đã trở nên rất rõ ràng.

Cô Swann nói với The Epoch Time: “Chúng ta thậm chí không biết được toàn bộ mức độ của lỗ hổng này hoặc tác động có khả năng xảy ra. Tôi nghĩ đây mới chỉ là sự khởi đầu.”

Theo cô, có khả năng các sản phẩm và chuỗi cung ứng khác cũng sẽ được xem xét lại khi chính quyền Biden tiếp tục phát hiện thêm nhiều lỗ hổng.

Không rõ liệu chính quyền mới của Mỹ sẽ thực hiện những hành động nào sau khi xem xét. Tuy nhiên, có nhiều lựa chọn khác nhau tùy thuộc vào sản phẩm.

Phát biểu tại hội nghị báo chí, ông Peter Harrell, giám đốc cấp cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia về kinh tế quốc tế và khả năng cạnh tranh, cho biết “tất cả các công cụ đã có sẵn” cho chính quyền Biden.

Ông nói: “Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ sử dụng kết hợp các ưu đãi để khuyến khích việc sản xuất tại đây [Mỹ]. Chúng tôi đang xem xét các biện pháp để đảm bảo một năng lực dư thừa có sẵn đối với các mặt hàng có thể cần được tăng lên nhanh chóng cho dự trữ.”

Ông nói thêm rằng chính quyền Mỹ cũng sẽ xem xét làm việc với các đồng minh và đối tác để thực hiện các hành động phối hợp tập thể nhằm giải quyết các cú sốc về nguồn cung ứng trong tương lai.

Theo cô Swann, rất là tốn kém cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nếu cố gắng tự cung tự cấp và muốn có đủ tất cả các ngành chuyên môn và năng lực.

Cô nói: “Cách tiếp cận bền vững hơn là đảm bảo một chuỗi cung ứng ứng mạnh mẽ trước sự gián đoạn,” thay vì chỉ tập trung vào việc trở nên hoàn toàn tự cung tự cấp.

Đất hiếm rất dồi dào

Khoáng sản đất hiếm rất quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ. Chúng đóng vai trò thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm điện tử tiêu dùng, công nghệ xanh, dụng cụ y tế, và quốc phòng. Ví dụ, nam châm đất hiếm được dùng trong nhiều xe điện và xe năng lượng hỗn hợp (điện-xăng, điện-khí,..). Những kim loại này cũng là nguyên liệu quan trọng để sản xuất hệ thống dẫn đường vũ khí, động cơ phản lực, thiết bị sonar (thiết bị định vị vật dưới nước bằng sóng âm), và vũ khí laser.

Các nguyên tố đất hiếm rất dồi dào và dễ khai thác, tuy nhiên chúng được gọi là “hiếm” bởi vì chúng rất khó phân tách và tinh chế thành dạng có thể sử dụng.

Trong những năm 1980, Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất các nguyên tố này và hầu như sản lượng đất hiếm của Mỹ đến từ mỏ được khai thác gần Mountain Pass, California, vốn đã bị đóng cửa trong những năm 1990. Mỏ này đã được mở lại vào năm 2013 sau khi Trung Quốc hạn chế việc cung cấp đất hiếm cho Mỹ.

Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã dần dần trở thành cường quốc thống trị trong cả lĩnh vực khai thác và tinh chế các nguyên tố này. Theo dữ liệu của cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), ngày nay, Trung Quốc kiểm soát khoảng 80% nguồn cung toàn cầu về khoáng sản đất hiếm mặc dù nước này chỉ chứa 1/3 trữ lượng của thế giới.

Hiện tại, Mỹ hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu đất hiếm, với 80% nhập trực tiếp từ Trung Quốc.

Theo ông Lewis, giám đốc điều hành của công ty Almonty Industries, một công ty khai thác mỏ đặt tại Canada chuyên về vonfram, một kim loại hiếm, Trung Quốc có thể hạn chế “tuyệt đối” việc xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.

Khi đề cập đến luật kiểm soát xuất khẩu mới của Bắc Kinh vốn đã có hiệu lực vào ngày 1/12/2020, ông Black nói với The Epoch Times: “Cơ chế để [Trung Quốc] làm như vậy [hạn chế xuất khẩu] đã luôn được áp dụng và gần đây đã được củng cố vào tháng 12/2020 thông qua các luật mới cho phép nhà nước [Trung Quốc] ngừng xuất khẩu nếu xét thấy vì lợi ích quốc gia.”

Để đối phó với mối đe dọa này, Mỹ có khả năng phải tăng cường và mở rộng việc khai thác và tinh chế trong nước.

Ông Black nói: “Đất hiếm rất dồi dào nhưng vấn đề thật sự là liệu các cộng đồng địa phương có hoan nghênh một mỏ khai thác gần [chỗ họ ở] hay không.”

Quá trình xử lý cần thiết để sản xuất các khoáng sản đất hiếm này là thách thức về môi trường và nó cũng đe dọa sức khỏe con người.

Ông Black cho biết: “Việc khai thác mỏ rời khỏi Mỹ một phần không chỉ vì chi phí mà còn do ý kiến của công chúng bởi vì các cộng đồng [địa phương] thường phản đối sự hiện diện của mỏ.”

Ông lưu ý, rào cản lớn nhất sẽ là việc thuyết phục công chúng tin rằng các mỏ này có thể hoạt động an toàn và có trách nhiệm đối với môi trường.

Ông nói: “Hầu hết mọi người đã nghe hoặc nhìn thấy những câu chuyện kinh khủng liên quan đến các mỏ cũ và do việc khai thác mỏ không phải là một ngành thống trị tại Mỹ trong cả một thế hệ, do đó việc giáo dục để công chúng hiểu về các phương pháp hiện đại sẽ mất rất nhiều thời gian.”

Mặc dù đất hiếm rất quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ, nhưng không rõ liệu chính quyền Biden có thể thúc đẩy tăng cường sản xuất và chế biến trong nước trước những những thách thức môi trường hay không.

Xung đột Nhật Bản – Trung Quốc liên quan đến đất hiếm

Bắc Kinh đã đột ngột ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong thời gian xảy ra cuộc xung đột ngoại giao vào năm 2010 sau khi một tàu đánh cá Trung Quốc va chạm với hai tàu của cảnh sát biển Nhận Bản. Lệnh cấm xuất khẩu đã khiến giá nguyên liệu tăng vọt. Việc giá nguyên liệu tăng mạnh đã phản tác dụng đối với Bắc Kinh, bởi vì nó khuyến khích các nước khác như Úc mở rộng sản xuất mới và điều này đã triệt tiêu nhu cầu đối với kim loại đất hiếm của Trung Quốc.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đất hiếm đã khiến Nhật Bản, Mỹ, và Liên minh châu u cùng khởi động một vụ kiện giải quyết tranh chấp thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2012 và hai năm sau tổ chức này đã ra phán quyết chống lại Trung Quốc.

Việc giá đất hiếm tăng lên đã dẫn đến một dòng vốn đổ vào ngành khai thác đất hiếm, giúp khởi động các dự án khai thác mỏ ở các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự bùng nổ khai thác đất hiếm chỉ tồn tại một thời gian ngắn khi mối đe dọa về nguồn cung qua đi và giá giảm xuống.

Theo giáo sư Willy Shih của Trường Kinh doanh Harvard, “Trường hợp hiện nay cũng giống như vậy.”

Ông viết trong một bài xã luận gần đây trên Forbes: “Câu hỏi thật sự là liệu các nguồn cung trong nước [Mỹ] có bền vững về mặt kinh tế theo thời gian hay không.”

Ông Shih tin rằng thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt trong việc tự cung cấp đất hiếm là tính kinh tế.

Một nhóm các nhà đầu tư vào năm 2018 đã khởi động lại việc sản xuất hạn chế ít nhất hai loại nguyên tố đất hiếm tại mỏ ở Mountain Pass. Kết quả là, theo USGS, sản lượng tinh quặng đất hiếm quan trọng trong nước đã tăng 44% vào năm 2019, đưa Mỹ trở thành nước sản xuất tinh quặng đất hiếm lớn nhất ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết nguyên liệu thô [của Mỹ] phải chuyển đến Trung Quốc để xử lý bởi vì nó tạo ra các chất thải độc hại khiến Hoa Kỳ rất khó để xử lý các chất độc hại.

Tháng 7/2019, Tổng thống Donald Trump xác định rằng đất hiếm là “thiết yếu đối với quốc phòng” và đã kích hoạt Mục 303 của Đạo luật Sản xuất Quốc phòng cho phép quân đội Mỹ tài trợ cho những nỗ lực của khu vực tư nhân nhằm xây dựng năng lực (nhà máy) tinh chế trong nước.

Ngày 1/2/2021, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trao hơn 30 triệu đô la cho Công ty Đất hiếm Lynas của Úc để xây dựng một cơ sở xử lý đất hiếm tại Texas.

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một thông báo: “Sau khi hoàn thành dự án này, nếu thành công, Lynas sẽ cung cấp khoảng 25% nguồn cung oxit nguyên tố đất hiếm trên thế giới.”

Năm ngoái, công ty MP Materials của Mỹ cũng đã nhận được tài trợ của Lầu Năm Góc dành cho cơ sở phân tách đất hiếm của công ty này tại California.

Để tái phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm của Mỹ, năm ngoái, một nhóm lưỡng đảng gồm các nhà lập pháp tại Hạ viện và Thượng viện liên bang đã đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường năng lực sản xuất trong nước thông qua các ưu đãi thuế.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: