Mới đây truyền thông Hồng Kông loan tin cho biết, nội bộ phe kiến chế tiết lộ một doanh nhân giàu có Hồng Kông đáp máy bay riêng đến Mỹ nhưng bị từ chối nhập cảnh sau quá trình bị xét hỏi kéo dài ba tiếng. Có nhà lập pháp thuộc phe kiến chế tiết lộ doanh nhân giàu có này là ông chủ Hà Trụ Quốc (Charles Ho) của tờ Sing Tao (Nhật báo Tinh Đảo). Tình cảnh tương tự cũng diễn ra đối với phóng viên của một số hãng truyền thông thân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như Văn Hối (Wen Wei Po) và Đại Công Báo (Ta Kung Pao).

Truyền thông thân ĐCSTQ
Thông tin ông chủ Hà Trụ Quốc (Charles Ho) của tờ Sing Tao (Nhật báo Tinh Đảo) bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ (Hình: Epoch Times)

Theo chia sẻ của nhân vật trong phe kiến chế, sau khi Mỹ thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông, nhiều doanh nhân và bạn bè giàu có thân thiết của người này cảm thấy bất an, thậm chí cả bản thân nhà lập pháp này dù có địa vị đại biểu Nhân đại của ĐCSTQ nhưng cũng lo lắng sẽ bị Mỹ chế tài.

Thông tin cho biết, từ sau ngày 27/11 (một ngày trước Lễ Tạ ơn) với việc Tổng thống Mỹ Trump ký “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông năm 2019” và “Đạo luật Bảo vệ Hồng Kông” để chính thức trở thành luật pháp của Mỹ, giới truyền thông Hồng Kông thân ĐCSTQ và giới chức đại diện của tổ chức chính thức trở thành đối tượng bị Mỹ chế tài.

Thông tin về việc doanh nhân giàu có của Hồng Kông bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ đã ngay lập tức lên cơn sốt chia sẻ mạng internet, một số diễn dàn mạng xã hội Hồng Kông chia sẻ doanh nhân giàu có bị từ chối nhập cảnh Mỹ là ông chủ Hà Trụ Quốc (Charles Ho) của tờ Sing Tao (Nhật báo Tinh Đảo) Hồng Kông có tài sản trị giá 30 tỷ nhân dân tệ.

Ông Hà Trụ Quốc là cháu đích tôn của vua thuốc lá Hồng Kông là Hà Anh Kiệt (He Yingjie), năm 2001 ông này mua lại tập đoàn Sing Tao là hãng truyền thông tiếng Trung toàn cầu, sau đó cũng gia nhập ngành tư vấn Internet.

Nhà bình luận Thành Kiệt (Cheng Jie) tại Hồng Kông cho biết, Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ đã lôi kéo Hà Trụ Quốc tham gia, thông qua thân phận và các chức vụ của thương nhân này trong các doanh nghiệp của ĐCSTQ cho thấy ông ta là thành viên thân thiết của ĐCSTQ; từ những phát ngôn cùng hành động của Hà Trụ Quốc cho thấy đây là nhân vật đại diện điển hình của ĐCSTQ, vì thế không có gì bất công khi con người này trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ theo Luật nhân quyền đối với Hồng Kông.

Vu cáo người biểu tình trong Phong trào Ô dù và chống Dự luật Dẫn độ

Ngay từ Phong trào Ô dù năm 2014, Nhật báo Sing Tao đã tuyên bố rằng phong trào chiếm đóng này sẽ gây ra làn sóng thất nghiệp trong một đến hai tháng tới, có khả năng nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Thời điểm đó Hà Trụ Quốc tuyên bố rằng các hành động của cảnh sát Hồng Kông là rất kiềm chế, tính chuyên nghiệp của cảnh sát Hồng Kông rất đáng trân trọng, ông này cũng cảnh cáo các sinh viên rằng “tìm kiếm dân chủ phải theo cách hợp pháp”.

Trong chiến dịch biểu tình chống Dự luật Dẫn độ năm nay, Hà Trụ Quốc đã đích thân ra mặt cáo buộc người biểu tình là thành phần “đòi Hồng Kông độc lập”, đã viết bài kêu gọi người biểu tình “sớm quay đầu để trở thành người Trung Quốc đường hoàng”.

Với một nơi mà thông tin cởi mở như Hồng Kông thì những phát ngôn vu cáo kiểu như “đòi Hồng Kông độc lập” không mang lại hiệu quả, nhưng với nơi mà thông tin bị phong tỏa chặt chẽ như Trung Quốc Đại Lục thì phát ngôn của Hà Trụ Quốc gây tác động mạnh mẽ, thêm vào chiêu trò kích động “tinh thần yêu nước” của ĐCSTQ càng thúc đẩy thêm nhiều người Đại Lục hiểu lệch lạc về người biểu tình ở Hồng Kông chính là “kẻ thù” của 1,4 tỷ người Trung Quốc.

Trong bối cảnh bộ máy quyền lực công tại Hồng Kông lạm dụng vũ lực gây vô số thảm cảnh đối với thị dân khiến nhiều tổ chức xã hội dân sự phải kêu gọi khẩn cấp viện trợ quốc tế cho người biểu tình Hồng Kông, nhưng Hà Trụ Quốc lại công bố bài xã luận “Kêu gọi cộng đồng quốc tế chớ đồng hành cùng tội ác”, chỉ ra rằng ĐCSTQ luôn tuân thủ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, vẫn cho Hồng Kông hưởng quyền tự trị cao và hệ thống tư pháp độc lập; nhấn mạnh trong các lĩnh vực như tham gia chính trị, tự do thông tin và ngôn luận đã tiến bộ hơn so với thời kỳ thuộc địa (Anh)…. Phải ngăn chặn Mỹ thông qua Dự luật về Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông.

Mua Sing Tao để biến thành truyền thông ĐCSTQ

Nhật báo Sing Tao ban đầu là tổ chức truyền thông trung lập theo hướng hữu khuynh, được thành lập vào năm 1938 bởi Hồ Văn Hổ (Aw Boon Haw) – một người Hoa hải ngoại giàu có ở Đông Nam Á, đặt trụ sở chính tại Hồng Kông và có chi nhánh tại Mỹ, Canada, Anh và Úc. Trước khi ĐCSTQ kiểm soát Hồng Kông năm 1997, Nhật báo Sing Tao luôn ghi thời gian năm tháng theo cách của Đài Loan, hoạt động truyền thông luôn gọi Chính phủ Bắc Kinh là “nhà cầm quyền Trung Cộng” hoặc “Trung Cộng” (ĐCSTQ)

Bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, cô con gái nuôi Hồ Sơn (Hushan) của Hồ Văn Hổ (Hu Wenhu) bị thua lỗ nặng nề vì đầu tư nhiều vào bất động sản và chứng khoán. Để trả nợ, vào tháng 3/1999 cô đã phải bán cổ phần tại Sing Tao cho Quỹ Lazard châu Á. Quỹ Lazard châu Á đã có thể giành chiến thắng trong thương vụ khốc liệt này, tất cả là nhờ sự giúp đỡ của Hà Trụ Quốc vào thời khắc quan trọng. Vốn dĩ Hà Trụ Quốc là chủ nợ lớn của Hồ Sơn.

Chưa đầy hai năm sau, vào tháng 01/2001, Hà Trụ Quốc đã mua lại Tập đoàn truyền thông Sing Tao từ Quỹ Lazard châu Á. Khi được hỏi lý do tại sao hai năm trước không thực hiện điều này, Hà Trụ Quốc đã trả lời: “Tôi chỉ quan tâm đến ngành truyền thông sau khi được Lazard mời vào Hội đồng quản trị của Sing Tao”. Thật khó biết trong phát ngôn này có bao phần là sự thật, nhưng động thái này cho thấy Bắc Kinh rất hứng thú đối với Tập đoàn Sing Tao.

Sau khi Hà Trụ Quốc tiếp quản thuận lợi, ngày 16/7 đã xuất hiện trong hội trường của khách sạn New Otani Chang Fu Gong tại Bắc Kinh để cùng ông phó Tổng biên tập của Tân Hoa xã là Hà Đông Quân (He Dongjun) tổ chức buổi ra mắt “Tân Hoa xã trực tuyến”. Vào tháng Năm cùng năm, Tân Hoa xã trực tuyến (Xinhua Online) chính thức thành lập, dự án hợp tác đầu tư Tập đoàn Công nghệ Fanhua giữa Tân Hoa xã và Hà Trụ Quốc là dự án mang tính cột mốc trong hoạt động tuyên truyền tại hải ngoại của ĐCSTQ nhằm tận dụng truyền thông để truyền bá hình thái ý thức chính trị của ĐCSTQ tới thế giới Âu Mỹ, Hồng Kông và Đài Loan.

Đầu năm 1998, Hà Trụ Quốc đã được bầu làm ủy viên Chính hiệp ĐCSTQ, đã duy trì vai trò này trong liên tiếp các khóa 9, 10 và 11. Không khó hiểu khi Sing Tao luôn đồng hành cùng Bắc Kinh trong những vấn đề trọng đại. Năm 2003, khi Trưởng Đặc khu Hồng Kông Đổng Kiến Hoa thúc đẩy lập pháp Điều 23 của Luật cơ bản tại Hồng Kông theo ý định của Bắc Kinh, vì ý đồ cho tư pháp Đại Lục xâm nhập Hồng Kông nên bị đông đảo người dân yêu dân chủ Hồng Kông phản đổi quyết liệt, thời điểm tháng Bẩy cùng năm đó tờ Sing Tao tung ra hai bài xã luận vào ngày 5 và 6/7 để ủng hộ Chính phủ Hồng Kông lập pháp đúng đắn, cho thấy rõ bóng dáng của truyền thông lề Đảng.

Biên tập viên truyền thông ĐCSTQ thống lĩnh Sing Tao

Trong kỷ nguyên Hồ Sơn, tờ Sing Tao chiếm được số lượng lớn độc giả nước ngoài nhờ vị thế là tổ chức truyền thông trung lập, hướng hữu khuynh, trở thành hãng truyền thông tiếng Hoa lớn nhất tại Âu Mỹ, vì thế tầm ảnh hưởng của tờ báo đã bị ĐCSTQ chú ý. Sau khi Sing Tao vào tay Hà Trụ Quốc thì quyền hành biên tập giao cho một biên tập viên tên Lý Qua (Li Ge) từng là biên tập viên của Nhật báo Nhân dân của ĐCSTQ. Lý Qua rất được Hà Trụ Quốc tín nhiệm, được bổ nhiệm làm Tổng biên tập ở nước ngoài, theo đó thống nhất quyền hành trong hoạt động của tám chi nhánh truyền thông Sing Tao ở nước ngoài cho một nhân vật xuất thân từ truyền thông ĐCSTQ, đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử của Sing Tao.

Sau này hầu hết bài xã luận của Sing Tao là do Lý Qua thực hiện, trong đó có sự kiện chú sau sự cố va chạm máy bay quân sự Trung-Mỹ, có hai tác giả chuyên mục của Sing Tao viết bài yêu cầu ĐCSTQ thả phi hành đoàn của Mỹ và trả lại máy bay quân sự cho Mỹ, hệ quả là sau đó họ đã không ngừng bị lên án trong chuyên mục xã luận của Sing Tao kéo dài trong gần cả tháng. Năm 2001 với đỉnh điểm cuộc đàn áp Pháp Luân Công do ĐCSTQ phát động, trong suốt hai năm Sing Tao đã bám theo truyền thông ĐCSTQ tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công trong cộng đồng người Hoa tại Bắc Mỹ.

Quỹ Jamestown ở Bắc Mỹ từng công bố bài viết tiết lộ thực trạng kiểm soát của Bắc Kinh đối với truyền thông tiếng Trung tại Mỹ. Bài viết chỉ ra rằng Bắc Kinh đã lập một kế hoạch có hệ thống để can thiệp vào truyền thông tiếng Trung, chiến lược chính là: đầu tư để khống chế, dụ giỗ bằng lợi ích thương mại ở Đại Lục, cài nhân sự. Theo bài viết, nhờ có ĐCSTQ hỗ trợ tài chính mà tờ Sing Tao dần dần phát triển thành tổ chức truyền thông tiếng Hoa thân ĐCSTQ.

 

Tháng ngày tốt lành cho đại diện của ĐCSTQ đã cạn dần

Nhà bình luận thời sự Thành Kiệt (Sheng Jie) tại Hồng Kông cho biết, đông đảo người dân Hồng Kông đã phải đứng lên để bảo vệ các giá trị phổ quát như tự do, công lý và pháp quyền qua các sự kiện lập pháp Điều 23, Phong trào Ô dù, cho đến chiến dịch chống Dự luật Dẫn độ.

“Là một doanh nhân giàu có ở Hồng Kông, Hà Trụ Quốc biết rõ người Hồng Kông đang đấu tranh vì điều gì, nhưng ông ta bị cuốn vào vũng lầy Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ nên trong những thời điểm quan trọng đã lên tiếng nói thay cho ĐCSTQ.” Thành Kiện cho biết.

Ngoài bối cảnh là ủy viên Chính hiệp của ĐCSTQ, Hà Trụ Quốc còn kiêm nhiều chức vụ quan trọng trong quan trường và doanh nghiệp của ĐCSTQ: trong vòng 7 năm kể từ năm 2000 ông ta đã đảm trách các cương vị như thành viên danh dự trong Ban giám đốc của Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc, ủy viên của Tổng Hội liên hiệp Công nghiệp văn hóa Hồng Kông, Cố vấn kinh tế của Chính phủ Nhân dân tỉnh Sơn Đông, thành viên Ban Giám đốc Đại học Kinh tế và Thương mại Trung Quốc, thành viên danh dự của Đại học Bắc Kinh.

Nhà bình luận Thành Kiệt cũng cho biết, chiến dịch biểu tình chống Dự luật Dẫn độ khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý tình hình nhân quyền Hồng Kông, qua đó cũng khiến các nước Âu Mỹ càng cảnh giác cao độ đối với hệ tư tưởng của ĐCSTQ xâm nhập vào xã hội tự do.

Ông nói: “Gần đây Mỹ đã xác định các tổ chức truyền thông như CCTV và Nhân dân Nhật báo là ‘đại diện của Chính phủ nước ngoài’, qua đó bắt đầu thanh lọc truyền thông Đỏ. Truyền thông Hồng Kông và Đài Loan đã bị ĐCSTQ thâm nhập ở mức nghiêm trọng, đi cùng xu thế tẩy chay ĐCSTQ của cộng đồng quốc tế, có thể khẳng định những ngày tốt đẹp của truyền thông Đỏ và những kẻ đại diện đã đến hồi kết.”

 Tuyết Mai

Xem thêm: