Các nhà ngoại giao Mỹ tại Cuba đang tiếp tục gặp vấn đề sức khỏe mà phía Washington cáo buộc rằng họ đã bị “tấn công bằng sóng âm”. Trước diễn tiến nghiêm trọng này, chính phủ Trump đang xem xét sẽ đóng cửa đại sứ quán Mỹ tại Havana.

Các nhà báo Mỹ chụp ảnh “selfies” trước Đại sứ quán Mỹ tại Havana dịp mở lại cơ quan ngoại giao này năm 2015. 

Trong phát biểu mới nhất trên kênh CBS hôm Chủ Nhật (17/9), Ngoại trưởng Rex Tillerson đã nói rằng chính phủ Mỹ “đang đánh giá” về khả năng có đóng cửa đại sứ quán tại Cuba hay không.

BBC, dẫn theo thông tin mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay hơn 20 nhân viên sứ quán nước này tại Havana đã gặp các các tổn thương sức khỏe khác nhau từ chấn thương não nhẹ, giảm thính giác, tới chóng mặt và buồn nôn.

Các quan chức Mỹ cho rằng một loại thiết bị nào đó đã được phía Cuba sử dụng nhằm xâm hại sức khỏe của các viên chức Hoa Kỳ. Tuy nhiên, giới chức Cuba phủ nhận không có bất kỳ liên quan nào tới sự vụ này.

Ông Tillerson nói trên CBS rằng: “Vụ việc liên quan đến những tổn thương mà một số viên chức ngoại giao Mỹ [tại Cuba] đang phải chịu là vấn đề rất nghiêm trọng”.

Theo BBC, các viên chức Hoa Kỳ tại Cuba có các dấu hiện bị tổn thương nêu trên từ cuối năm 2016. Ít nhất hai người Canada thời điểm đó cũng gặp phải các triệu chứng tương tự.

Tuy nhiên, phải tới tháng 5/2017, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mới báo cáo chính thức về sự vụ tại Havana khi họ tuyên bố trục xuất 2 nhà ngoại giao Cuba khỏi Washington. Phía Hoa Kỳ lý giải việc trục xuất này là nhằm phản ứng lại việc chính quyền Cuba đã không đảm bảo an toàn cho các viên chức ngoại giao Mỹ.

Các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ nhận định rằng các triệu chứng mà các nhà ngoại giao gặp phải là do bị tác động từ một loại thiết bị âm thanh đặc biệt. Các “vũ khí tấn công âm thanh” này có thể phát ra sóng âm mà tai thường không nghe thấy, nhưng lại có thể gây tổn hại thính giác, chấn thương não nhẹ, chóng mặt, buồn nôn, v.v.

Bất chấp các kết luận điều tra Cục điều tra Liên Bang Mỹ (FBI) và Cảnh sát Canada, giới chức Cuba vẫn phủ nhận việc liên quan tới sự vụ này và chưa có lời giải thích đầy đủ về nguyên nhân gây ra các tổn thương sức khỏe cho người Mỹ và Canada nêu trên.

Tổng thống Cuba Raul Castro đã cam kết rằng Cuba không đứng đằng sau các các vụ “tấn công bằng sóng âm” như phía Mỹ cáo buộc.

Hoa Kỳ mở lại đại sứ quán tại Havana từ năm 2015 sau sắc lệnh bình thường hóa quan hệ Mỹ – Cuba của Tổng thống Barack Obama.

Năm 2016, ông Obama trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ tới thăm Cuba kể từ chuyến thăm của Tổng thống Calvin Coolide năm 1928.

Tháng 6/2017, Tổng thống Donald Trump đã thông báo hủy bỏ một phần các chính sách về Cuba của cựu Tổng thống Obama, nhưng Washington vẫn duy trì đại sứ quán tại Havana.

Diễn tiến vụ khủng hoảng ngoại giao Mỹ – Cuba

 * Cuối năm 2016: Nhân viên đại sứ quán Hoa Kỳ và ít nhất 1 người Canada bắt đầu nhận thấy các triệu chứng bất thường như giảm thích giác, chóng mặt, buồn nôn.

* Tháng 5/2017: Hoa Kỳ trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba khỏi Washington vì cho rằng Havana không đảm bảo an toàn cho các viên chức ngoại giao Mỹ.

* Tháng 8/2017: Hoa Kỳ thông báo 16 viên chức ngoại giao của họ đã được điều trị và dường như các cuộc tấn công đã dừng lại.

* 2/9/2017: Hoa Kỳ nói rằng các cuộc tấn công âm thanh vẫn tiếp diễn và 19 viên chức Mỹ hiện tại đang gặp tổn thương.

* 17/9/2017: Hoa Kỳ thông báo có 20 viên chức Mỹ tại Cuba gặp tổn thương thính giác và chính phủ Trump đang xem xét sẽ đóng cửa đại sứ quán Mỹ tại Havana.

Tân Bình (t/h)

Xem thêm: