Chính phủ Mỹ thông qua một cơ quan phát triển tài chính quốc tế, đang đàm phán với Ấn Độ để quốc gia Nam Á này trở thành thành viên trong quan hệ đối tác đầu tư đa phương tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mà Mỹ trước đó đã ký kết với Nhật Bản và Úc. Thỏa thuận hợp tác đầu tư ba bên và sắp tới là bốn bên khi thêm Ấn Độ được Washington kỳ vọng sẽ đối phó hiệu quả với “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Ông Ray Washburne  là Chủ tịch kiêm CEO của OPIC  do Tổng thống Trump đề cử.

Hợp tác bốn bên đầu tư vào Ấn Độ – Thái Bình Dương

Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (OPIC) trực thuộc chính phủ Mỹ mới đây đã ký thỏa thuận với các cơ quan phát triển tài chính của Nhật Bản và Úc để tăng cường đầu tư phát triển khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Theo trang tin của Đại sứ quán Mỹ tại Úc, tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ – Thái Bình Dương do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức hôm 30/7 vừa qua, lãnh đạo của OPIC, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) và chính phủ Úc đã thông báo về quan hệ hợp tác ba bên Mỹ – Nhật – Úc để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương với nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết các thách thức quan trọng và tăng cường kết nối, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch kiêm CEO của OPIC Ray Washburne, Thống đốc JBIC Tadashi Maeda và Đại sứ Úc tại Mỹ Katrina Cooper hôm 30/7 đã cùng ký vào tuyên bố chung về quan hệ hợp tác ba bên.

Tuyên bố ba bên cho hay: “Mỹ, Nhật Bản và Úc đã thành lập quan hệ hợp tác ba bên để huy động đầu tư vào các dự án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ hội, và thúc đẩy Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và thịnh vượng. Chúng tôi chia sẻ niềm tin rằng đầu tư hiệu quả bắt nguồn từ minh bạch, cạnh tranh mở, bền vững, tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu mạnh mẽ, sử dụng lao động địa phương và tránh rơi vào gánh nặng nợ không khả năng chi trả… Khi chúng tôi hướng tới tương lai, quan hệ đối tác này đại diện cho cam kết của chúng tôi vì một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và thịnh vượng. Bằng việc hợp tác cùng nhau, chúng tôi có thể thu hút thêm vốn tư nhân để đạt được những kết quả to lớn hơn”.

Trước khi có tuyên bố chung ba bên nêu trên, OPIC đã ký với các đối tác Nhật Bản hai bản ghi nhớ hợp tác song phương vào tháng 11/2017. OPIC cũng đã ký bản ghi nhớ tương tự với Úc vào tháng 2/2018.

Theo tờ Hoa Nam Tảo Báo (Hồng Kông), vào 17/7/2018, OPIC đã triệu tập cuộc họp ba bên lần đầu tiên tại Singapore để thảo luận hợp tác về đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành khung quan hệ đối tác ba bên và duy trì các cuộc đối thoại tiếp tục để thúc đẩy hợp tác.

Cho tới nay, OPIC đã đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào các dự án khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đang mở rộng tiếp cận vào các ngành năng lượng, giáo dục, và tài chính, cũng như hỗ trợ nông dân địa phương.

Quan hệ giữa OPIC và các đối tác tại Nhật Bản và Úc cho phép ba nước đơn giản hóa tiến trình đầu tư chung về năng lượng, giao thông, du lịch và cơ sở hạ tầng công nghệ. Các khoản đầu tư này cũng thu hút vốn tư nhân vào các dự án mà trong một số trường hợp được cho là có giá trị cao gấp nhiều lần so với nguồn đầu tư từ chính phủ ba nước.

Trao đổi với tờ Hoa Nam Tảo Báo hôm 24/9, Chủ tịch OPIC Ray Washburne nói rằng sau khi đạt được các thỏa thuận với Nhật Bản và Úc, cơ quan này đã “đàm phán ngay với Ấn Độ” để nỗ lực sớm đạt được một bản ghi nhớ với New Delhi.

Ông Ray Washburn cho biết nếu đàm phán hoàn thành, thỏa thuận với Ấn Độ “sẽ có nội dung giống với những thỏa thuận mà chúng tôi đã đạt được với Nhật Bản và Úc”.

Mỹ nâng cấp OPIC để đối trọng với OBOR của Trung Quốc

Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Hải ngoại được cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon thành lập năm 1971. Đây là cơ quan tài chính phát triển trực thuộc chính phủ Mỹ, nhưng hoạt động trên cơ sơ tự hạch toán và không sử dụng tiền của ngân sách liên bang do người dân nộp thuế.

OPIC được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp tư nhân với sự điều hành của Hội đồng quản trị, Chủ tịch kiêm CEO và Phó Chủ tịch điều hành. Tất cả các vị trí lãnh đạo này đều do Tổng thống Mỹ đề cử và Thượng viện phê duyệt.

OPIC huy động vốn tư nhân để giúp giải quyết các thách thức phát triển trọng yếu và trong khi làm như vậy cũng thúc đẩy chính sách ngoại giao của Mỹ và các mục tiêu an ninh quốc gia. OPIC giúp các doanh nghiệp Mỹ giành được chỗ đứng tại các thị trường mới nổi, kích thích doanh thu, việc làm và cơ hội tăng trưởng ở cả trong và ngoài nước Mỹ. OPIC đạt được sứ mệnh của mình bằng cách cung cấp cho các nhà đầu tư các dịch vụ như tài chính, bảo hiểm rủi ro chính trị và hỗ trợ cho các quỹ đầu tư vốn chủ sở hữu tư nhân khi mà các quỹ thương mại không tìm kiếm được nguồn vốn từ các nơi khác.

Kể từ khi thành lập, OPIC đã mở rộng doanh nghiệp kinh doanh ở hơn 160 quốc gia trên khắp thế giới. Tất cả các dự án của OPIC đều tuân thủ các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội; tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền lợi của người lao động. Bằng cách bắt buộc tuân thủ các tiêu chuẩn cao, OPIC đặt mục tiêu nâng cao tiêu chuẩn ngành và khu vực ở các quốc gia mà họ rót tiền vào các dự án.

Trong chiến lược đối ngoại chung của chính phủ Trump, OPIC hiện tại đang được nâng cấp để có thể tạo ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Một đạo luật được Hạ viện Mỹ thông qua hồi tháng Bảy cho phép cơ quan này trực tiếp đầu tư vốn chủ sở hữu vào các dự án phát triển thay vì chỉ cung cấp vốn vay như trước.

Vào tháng 7/2018, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật 2018 Tối ưu Đầu tư Hướng tới Phát triển (gọi tắt là Đạo luật BUILD) và trong tuần này Thượng viện sẽ bỏ phiếu thông qua luật Quản lý Hàng không Liên bang, trong đó có kèm cả Đạo luật BUILD.

Nếu dự luật nêu trên được thông qua và Tổng thống Trump ký thành luật, OPIC sẽ được đổi tên thành Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (USIDFC) và số tiền mà cơ quan này có thể rót vào các dự án cơ sở hạ tầng sẽ được tăng gấp đôi, lên 60 tỷ USD. Cơ quan mới cũng được phép thực hiện đầu tư trực tiếp bằng vốn chủ sở hữu vào các dự án và cho vay bằng đồng tiền của nước sở tại, điều này cho phép USIDFC làm việc được với nhiều đối tác và công ty tài chính hơn.

Tờ New York Times nhận định rằng với chức năng mới, USIDFC được xem như là một cách để chính phủ Mỹ đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Châu Á và Châu Phi thông qua “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (OBOR).

Trao đổi với New York Times gần đây, Dân biểu Cộng hòa Ed Royce – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết tài chính của Trung Quốc đang làm xói mòn quản trị dân chủ và khiến các nước bị mắc kẹt trong nợ nần. Với USIDFC, Mỹ có thể cung cấp cho các nước ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và trên toàn thế giới “một giải pháp thay thế cạnh tranh cho cách tiếp cận từ góc độ nhà nước của Trung Quốc và Nga”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một phát biểu gần đây cũng tiết lộ rằng quan hệ đối tác giữa OPIC với Nhật Bản và Úc là một phần của cái gọi là “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương” – một thách thức mở đối với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Châu Á.

Trong khi đó, người bảo trợ cho Đạo luật BUILD, Dân biểu Ted Yoho – Chủ tịch Tiểu ban Đối ngoại Hạ viện về Châu Á và Thái Bình Dương nói rằng luật này là cần thiết để đối phó với một Trung Quốc “ăn cướp”.

Chúng tôi đảm bảo các tuyến đường biển duy trì mở và đảm bảo các nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, và không quốc gia nào, chẳng hạn như Trung Quốc, có quyền bá chủ khu vực có thể nắm giữ và điều phối tất cả các hoạt động đó”, ông Ted Yoho nói.

Dân biểu của bang Florida nói thêm rằng việc đưa Ấn Độ vào hợp tác trong quan hệ đối tác này là “một cách để các nước có cùng chí hướng làm việc cùng nhau, đối trọng với những gì được cung cấp theo cái mà ông Tập Cận Bình muốn cung cấp”.

Nếu quý vị nhìn lại phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào tháng 10/2017, khi đó ông ta nói rằng đã đến lúc Trung Quốc phải nắm lấy trung tâm vũ đài quốc tế, đó là những phát ngôn rất khiêu khích và đe dọa. Ông ta không muốn chia sẻ vũ đài thế giới; ông ta muốn nắm lấy nó”, ông Yoho nói thêm.

Theo tờ Hoa Nam Tảo Báo, hiện tại OPIC đầu tư vào Ấn Độ – Thái Bình Dương còn rất khiên tốn nếu so với các dự án hàng chục tỷ USD thuộc OBOR của Trung Quốc.

Chẳng hạn như tại Myanmar, một trong các nước mà cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn đầu tư vào để gây ảnh hưởng. Tập đoàn Citic của nhà nước Trung Quốc đang chi 1,3 tỷ USD vào giai đoạn một của dự án cảng nước sâu Kyauk Pyu ở bang Rakhine, miền tây Myanmar, giúp neo đậu được nhiều tàu chở dầu lớn hơn. Trong khi đó, OPIC mới có kế hoạch cung cấp 250 triệu USD vào Apollo Towers Myanmar Limited để phát triển các tháp viễn thông khắp Myanmar. Apollo đã xây dựng 1.800 tháp viễn thông từ khi họ bắt đầu hoạt động năm 2014 và có kế hoạch xây thêm 2.000 tháp khác trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: