Hôm thứ Năm (31/8), hai ngày sau khi Bắc Hàn bắn tên lửa đạn đạo bay qua bầu trời Nhật Bản, ba nước Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tổ chức diễn tập ném bom trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế, nhưng lại tổ chức tập trận tại biển Đông từ 29/8. 

Reuters cho hay cuộc diễn tập liên quân Mỹ-Hàn-Nhật có sự tham gia của các máy bay ném bom siêu thanh B-1B, chiến đấu cơ tàng hình F-35B của không lực Hoa Kỳ, cùng với các phản lực cơ chiến đấu của Hàn Quốc và Nhật Bản. Màn diễn tập ném bom này diễn ra vào ngày cuối cùng trong cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn bắt đầu từ 21/8 với chủ yếu là các hoạt động diễn tập giả lập trên máy tính.

Máy bay ném bom siêu thanh B-1B một trong những phi cơ chiến đấu hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ. 

Tư lệnh Không lực Hoa Kỳ, Đại tướng Terrence J. O’Shaughnessy đang có chuyến thăm bất thường tới Nhật Bản đã nói với Reuters rằng: “Những hành động của Bắc Triều Tiên là mối đe dọa tới liên minh, đối tác và chính đất nước Hoa Kỳ chúng tôi. Những hành động gây bất ổn của họ sẽ phải nhận sự đáp trả phù hợp”.

Tướng O’Shaughnessy cũng nói thêm rằng: “Sứ mệnh phức tạp này thể hiện rõ sự đoàn kết của chúng tôi với các đồng minh và nhấn mạnh sự hợp tác toàn diện để chống lại mối đe dọa khu vực chung này”.

Cũng trong thứ Năm (31/8), Bắc Triều Tiên thông qua Thông tấn xã KCNA đã mạnh mẽ cáo buộc  cuộc tập chung của liên quân Mỹ – Hàn – Nhật là “hành động nổi dậy của những kẻ bị qua mặt” bởi vụ phóng thử tên lửa. Bình Nhưỡng cũng tuyên bố rằng vụ phóng tên lửa vừa qua chỉ “là hành động quân sự đầu tiên [của họ] trên Thái Bình Dương”.

Tổng thống Donald Trump, vốn đã từng cảnh báo quân đội Mỹ đã “khóa súng và lên nòng” trong trường hợp khiêu khích của Bắc Triều Tiên, đã phản ứng rất giận dữ về vụ thử tên lửa mới nhất của chế độ Kim Jong-un. Tuyên bố trên Twitter mới đây, ông Trump nói rằng “đàm phán không phải là câu trả lời” cho việc giải quyết khủng hoảng liên quan đến các chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lập tức nhấn mạnh rằng lựa chọn ngoại giao cho vấn đề Bắc Hàn vẫn còn khả năng. Tuy nhiên, hôm thứ Năm (31/8), Tướng Mattis đã trao đổi với các phóng viên rằng ông đồng ý với ý kiến của ông Trump rằng Washington “hiện tại không nên đàm phán với quốc gia đã phóng tên lửa qua Nhật Bản – đồng minh hàng đầu của Mỹ”.

Phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Sarah Sanders hôm thứ Năm cũng đã lặp lại thông điệp rằng tất cả các lựa chọn gồm ngoại giao, kinh tế và quân sự đã sẵn sàng.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Bộ trưởng Itsunori Onodera đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp James Mattis và cả hai đã đồng ý tiếp tục gây áp lực “hữu hình” lên Bắc Triều Tiên.

Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng ông và Thủ tướng Anh Theresa May – đang có chuyến công du Hàn Quốc, đã đồng ý thúc giục Trung Quốc – đồng minh chính của Bắc Hàn, hãy hành động nhiều hơn nữa để kiềm tỏa chế độ Kim Jong-un.

Liên Hợp Quốc không áp đặt lệnh trừng phạt mới

Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) cần áp đặt lệnh trừng phạt mới khắc nghiệt hơn nữa lên Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, sau cuộc họp khẩn hôm thứ Ba (29/8) tại New York, 15 thành viên Hội đồng Bảo an chỉ thống nhất thông qua tuyên bố lên án các vụ thử tên lửa mới nhất của chế độ Bình Nhưỡng, nhưng không có ý định tiến hành áp đặt lệnh trừng phạt mới.

Phía Nga và Trung Quốc đã công khai tuyên bố sẽ dùng quyền phủ quyết để phản đối bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào vì họ cho rằng chế tài hiện hành chỉ vừa mới có hiệu lực từ 5/8.

Trung Quốc tập trận ở biển Đông

Trong một tuyên bố của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Năm (31/8), nước này tiếp tục lặp lại giọng điệu quen thuộc kêu gọi các bên kiềm chế, không gây thêm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh cảnh báo rằng tình huống tại Triều Tiên bây giờ là rất nghiêm trọng. “Tình huống căng thẳng hiện nay tại bán đảo Triều Tiên không phải là trên màn ảnh hay trò chơi điện tử. Đó là sự thật, và là một vấn đề to lớn và nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến sự an toàn của người dân ở cả hai miền bắc và nam Triều Tiên, cũng như hòa bình và ổn định của toàn khu vực”.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ren Guoqiang cho biết Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép xảy ra chiến tranh hay sự hỗn loạn trên bán đảo Triều Tiên và nhấn mạnh các biện pháp quân sự không phải là lựa chọn của họ.

Trung Quốc mạnh mẽ yêu cầu tất cả các bên kiềm chế, giữ bình tĩnh và không làm bất cứ điều gì để làm trầm trọng thêm căng thẳng”, ông Ren nhấn mạnh và tiết lộ thêm rằng quân đội Trung Quốc vẫn đang duy trì tình trạng bình thường dọc theo biên giới Bắc Triều Tiên.

Một mặt Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế tại Triều Tiên, nhưng mặt khác nước này lại chủ động có những hành động khiêu khích tại các khu vực khác, đặc biệt trên biển Đông.

Hôm thứ Năm (31/8), Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát đi tuyên bố phản đối Trung Quốc diễn tập quân sự ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ (Việt Nam).

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố:

Việt Nam hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.

 Lập trường của Việt Nam là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại biển Đông”.

Cùng ngày 31/8, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp trực tiếp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để nêu rõ lập trường của Việt Nam về động thái mới nhất của Bắc Kinh.

Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản ứng trước yêu cầu bình luận về tuyên bố của Hà Nội phản đối Bắc Kinh tập trận ở biển Đông.

Trong phát ngôn của bà Lê Thị Thu Hằng cũng không nêu rõ Trung Quốc tập trận ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ khi nào và kéo dài bao lâu.

Theo thông tin từ báo Tuoitre, từ ngày 28/8 Cục Hải sự Trung Quốc có thông báo số HN0081 về việc Trung Quốc sẽ tiến hành diễn tập quân sự từ ngày 29/8 đến 4/9 tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ – khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán phân định.

Trước đó vào giữa tháng 8, Trung Quốc cũng đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn kéo dài vài ngày tại tây Ấn Độ Dương với sự tham gia của nhiều tàu chiến, trong đó có tàu khu trục Changchun và chiến hạm  mang tên lửa hành trình Jingzhou.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: