Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản và Australia hôm thứ Tư (29/3) bày tỏ quan ngại về việc giải thể đảng cầm quyền cũ của Myanmar và kêu gọi một quá trình toàn diện hơn để đưa đất nước trở lại chế độ dân chủ.

shutterstock 1918589966
Aung San Suu Kyi (Ảnh: Rob Boc / Shutterstock)

Chính quyền quân sự cầm quyền của Myanmar hôm thứ Ba đã giải tán Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi và 39 đảng phái khác do họ không đáp ứng thời hạn đăng ký tham gia cuộc bầu cử nhằm mở rộng quyền lực của quân đội.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính quân sự vào đầu năm 2021, làm đảo lộn một thập kỷ dân chủ tạm thời, với một cuộc đàn áp đẫm máu nhằm vào các cuộc biểu tình. Theo Liên Hợp Quốc, hơn một triệu người đã phải di dời do giao tranh.

Nhà lãnh đạo bị lật đổ của Myanmar Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, đang thụ án 33 năm tù vì nhiều tội danh khác nhau và hàng chục đồng minh NLD của bà cũng đang ngồi tù hoặc đã bỏ trốn. NLD đã nhiều lần loại trừ việc tranh cử trong cuộc bầu cử chưa ấn định ngày, gọi đó là bất hợp pháp.

“Chúng tôi thực sự lo ngại rằng việc loại NLD ra khỏi tiến trình chính trị sẽ khiến việc cải thiện tình hình càng khó khăn hơn”, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố.

“Nhật Bản mạnh mẽ kêu gọi Myanmar trả tự do ngay lập tức cho các quan chức NLD, bao gồm cả bà Suu Kyi, và chỉ ra con đường hướng tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề theo cách có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.”

Người phát ngôn của quân đội Myanmar không đưa ra bình luận ngay lập tức. Nhà lãnh đạo Min Aung Hlaing hôm thứ Hai kêu gọi các nhà phê bình quốc tế ủng hộ những nỗ lực khôi phục nền dân chủ của ông.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ “lên án mạnh mẽ” quyết định bãi bỏ 40 chính đảng.

“Bất kỳ cuộc bầu cử nào không có sự tham gia của tất cả các bên liên quan ở Miến Điện sẽ không và không thể được coi là tự do hoặc công bằng,” Patel nói, sử dụng tên cũ của quốc gia Đông Nam Á.

Văn phòng đối ngoại của Anh chỉ trích việc giải tán NLD và các đảng khác là “sự tấn công vào các quyền và tự do” của người dân Myanmar.

“Chúng tôi lên án các hành động có động cơ chính trị của chế độ quân sự và việc họ sử dụng các chiến thuật ngày càng tàn bạo để gieo rắc nỗi sợ hãi và đàn áp phe đối lập,” một phát ngôn viên của văn phòng ngoại giao cho biết.

Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết họ thực sự lo ngại về việc không gian chính trị ở Myanmar ngày càng bị thu hẹp do các yêu cầu đăng ký bầu cử khó khăn.

Bộ nói rằng tất cả các bên liên quan nên được phép tham gia vào quá trình chính trị và cảnh báo việc loại trừ họ có thể dẫn đến bạo lực và bất ổn hơn nữa.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các hành động của chế độ và kêu gọi khôi phục nền dân chủ bao gồm các cuộc bầu cử đáng tin cậy,” Bộ nói trong một tuyên bố.

Ngân Hà (theo Reuters)