Nếu được Tổng thống Trump ký thành luật, Washington có thể áp đặt lệnh trừng phạt lên các quan chức Trung Quốc về các trại giam giữ ở Tân Cương.

Các lệnh trừng phạt nhân quyền Trung Quốc của Mỹ đang ở đâu?
Người biểu tình yêu cầu xem xét về vấn đề vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. (Ảnh: Shutterstock)

Năm ngoái, ‘dự luật Duy Ngô Nhĩ’ đã được các nhà lập pháp đệ trình nhằm phản ứng lại việc giam giữ quy mô lớn những người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo khác tại khu tự trị Tân Cương.

Hôm 14/5, Thượng viện đã thông qua dự luật, bỏ đi phần siết chặt kiểm soát xuất khẩu được đề xuất trong phiên bản do Hạ viện chấp thuận vào tháng 12 năm 2019.

Đạo luật Chính sách Nhân Quyền Duy Ngô Nhĩ sẽ chuyển đến Hạ viện vào hôm nay 27/5 và dự kiến sẽ được xem xét mà không cần theo các quy tắc thông thường, một thủ tục thường được sử dụng để thông qua nhanh chóng một luật không có tranh cãi. Nếu Hạ viện phê chuẩn như dự kiến, dự luật sẽ được chuyển đến Tổng thống để ký thành luật. Ông có thể từ chối chấp thuận việc này, nhưng phủ quyết của Tổng thống có thể bị bác bỏ bởi hai phần ba thành viên của Quốc hội.

Đạo luật sẽ mở đường cho việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc về việc đối xử với các nhóm dân tộc thiểu số ở miền tây Trung Quốc.

Cùng với các vấn đề nhân quyền nóng bỏng khác như Hồng Kông, dự luật Duy Ngô Nhĩ nhận được sự ủng hộ áp đảo của các nhà lập pháp ở cả hai đảng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đảng viên Đảng Dân chủ bang California, đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc “ngược đãi và đàn áp không ngừng” những người Duy Ngô Nhĩ.

Bắc Kinh gọi các trại giam giữ quy mô lớn tại Tân Cương là “các trung tâm huấn luyện giáo dục”, thường xuyên chỉ trích bất cứ ai lên tiếng hoặc kêu gọi đưa vấn đề này ra luật pháp.

Khi Hạ viện Mỹ thông qua phiên bản trước của dự luật vào tháng 12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ “ngăn chặn dự luật này trở thành luật” và đe dọa các biện pháp trả đũa “tùy theo tình hình diễn tiến như thế nào”.

Nếu được ký thành luật, Đạo luật Chính sách Nhân Quyền Duy Ngô Nhĩ sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ phát hành một báo cáo trong vòng 180 ngày xác định tất cả các cá nhân nước ngoài bị coi là chịu trách nhiệm cho việc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, bao gồm tra tấn, giam giữ bất hợp pháp kéo dài, và “đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hèn hạ”.

Tất cả tài sản tại Mỹ của những người này sẽ bị đóng băng, họ cũng sẽ không được phép đến Mỹ, mặc dù Tổng thống có thể ngừng việc trừng phạt trong một số tình huống nhất định.

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về vấn đề nhân quyền Duy Ngô Nhĩ

Dự luật cũng yêu cầu chính quyền cung cấp cho Quốc hội các báo cáo chi tiết về những vi phạm nhân quyền tại Tân Cương, những hành động của Bắc Kinh nhằm đe dọa và quấy rối các cư dân hoặc công dân Mỹ, và các tác động kinh tế và an ninh do các biện pháp của chính phủ Trung Quốc tại khu vực này. 

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, thành viên Đảng Cộng hòa bang Florida,  nói rằng việc Thượng viện thông qua dự luật vào tuần trước đã gửi “một thông điệp rõ ràng đến các quan chức Trung Quốc rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ.”

Áp lực của Quốc hội lên nhánh hành pháp nhằm trừng phạt Trung Quốc về các trại giam giữ vẫn duy trì ở mức cao ngay cả khi chính quyền TT Trump đã ban hành một số biện pháp, bao gồm việc áp đặt trừng phạt vào tháng 10 năm ngoái đối với một số cơ quan chính phủ Trung Quốc và các đơn vị tư nhân có dính líu đến “những vi phạm và xâm phạm nhân quyền” tại Tân Cương.

Hôm 22/5, Bộ Thương mại Mỹ thông báo rằng họ sẽ sớm bổ sung thêm 9 thực thể vào danh sách bị trừng phạt đợt đầu tiên, bao gồm Viện Khoa học Pháp y thuộc Bộ An ninh Công cộng Trung Quốc. 

Gia Huy (theo SCMP)

Xem thêm: