Mỹ đưa 33 công ty và thực thể Trung Quốc vào danh sách trừng phạt do giúp Bắc Kinh thực hiện hoạt động gián điệp hoặc có liên quan tới quân đội Trung Quốc, theo tin từ Reuters.

danh-cap-bi-mat-kinh-doanh
Mỹ đang bị các nước đánh cắp bí mật kinh doanh. (Ảnh minh họa qua Internet)

Hôm 22/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ đưa 33 công ty và thực thể Trung Quốc vào “danh sách đen” kinh tế vì đã hỗ trợ chính quyền Bắc Kinh giám sát cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ, liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay vì có liên quan tới quân đội Trung Quốc.

Đây là một trong những động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump nhằm trấn áp các công ty hỗ trợ các hoạt động quân sự của Trung Quốc và trừng phạt Bắc Kinh vì các hành vi vi phạm, lạm dụng nhân quyền, giam giữ tuỳ tiện quy mô lớn, lao động cưỡng ép đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo. 

Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ diễn ra khi giới lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh hôm 22/5 tiết lộ chi tiết về kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông.

Mỹ cảnh báo luật an ninh mới của TQ là ‘chuông báo tử’ cho tự do HK

Bảy công ty và hai tổ chức đã được liệt kê là đồng phạm với vi phạm nhân quyền trong chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ trong các trại lao động ở Tân Cương. 

24 công ty khác, cùng các tổ chức chính phủ và các tổ chức thương mại bị cáo buộc vì hỗ trợ mua sắm các mặt hàng để quân đội Trung Quốc sử dụng.

Các công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen của Mỹ hầu hết đều tập trung vào trí tuệ nhân tạo và nhận dạng khuôn mặt. Đây là những thị trường mà các công ty sản xuất chip của Mỹ như Nvidia hay Intel đều đang đầu tư mạnh.

Trong số các công ty bị Mỹ trừng phạt có NetPosa, một trong những công ty về trí tuệ nhân tạo nổi tiếng nhất Trung Quốc, được cho là có liên quan tới hoạt động giám sát người Hồi giáo tại Trung Quốc.

CloudMinds được Softbank Group Corp hỗ trợ cũng nằm trong danh sách. Công ty này vận hành một dịch vụ đám mây để chạy các robot như phiên bản của Pepper, một robot hình người có khả năng giao tiếp đơn giản. CloudMinds đã bị chặn vào năm ngoái vì cáo buộc chuyển giao công nghệ hoặc thông tin kỹ thuật từ Mỹ sang các văn phòng của họ ở Bắc Kinh.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết các công ty và tổ chức nằm trong “danh sách đen” sẽ bị hạn chế việc mua hàng hoá của Mỹ hoặc các mặt hàng được sản xuất ở nước ngoài có công nghệ của Mỹ. 

Mỹ từng có hành động tương tự vào tháng 10/2019 khi Bộ Thương mại Mỹ liệt 28 công ty và cơ quan an ninh Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì có các động thái liên quan tới cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, bao gồm một số công ty khởi nghiệp và giám sát video hàng đầu của Trung Quốc như Hikvision.

Washington cũng áp lệnh trừng phạt Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã cắt giảm quyền tiếp cận của Huawei với các nhà sản xuất chip.

Thượng viện Mỹ tuần này cũng đã thông qua dự luật có thể ngăn các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ nếu họ không tuân thủ các tiêu chuẩn về kiểm toán của Washington.

Xuân Lan (theo Reuters)

Xem thêm: