Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và các chuyên gia quân sự, việc Mỹ tăng cường gửi pháo binh tới Ukraine để làm suy giảm lực lượng Nga không chỉ cho chiến trường trước mắt mà còn sẽ là chuyện lâu dài.

Embed from Getty Images

Hoa Kỳ, Pháp, Cộng hòa Séc và các đồng minh khác đang gửi nhiều loại pháo tầm xa để giúp Ukraine ngăn chặn cuộc tấn công của Nga ở khu vực phía đông Donbass.

Được hỗ trợ bởi hệ thống phòng không tốt hơn, máy bay không người lái tấn công và tình báo phương Tây, các đồng minh hy vọng rằng Kyiv sẽ có thể tiêu diệt một lượng lớn hỏa lực của Nga trong cuộc đọ sức đang và sẽ diễn ra.

Sau khi trở về từ Kyiv, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với các nhà báo ở Ba Lan vào đầu ngày thứ Hai rằng Washington hy vọng Ukraine còn làm được nhiều hơn thế.

Ông Austin nói: “Nga đã bị suy giảm rất nhiều khả năng quân sự và bị mất rất nhiều binh sĩ của mình. Và chúng tôi muốn trông thấy họ không có khả năng tái tạo nhanh những khả năng đó”.

“Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức họ sẽ không thể làm được những điều mà họ đã làm khi xâm lược Ukraine.”

Tuyên bố mới nhất của ông Austin cho thấy sự thay đổi so với cách tiếp cận ban đầu của Washington, khi Mỹ vào thời điểm đó chỉ đơn giản hy vọng sẽ giúp ngăn chặn việc Moscow chiếm giữ thủ đô Ukraine và lật đổ chính phủ Zelensky.

Trên thực tế, với sự hỗ trợ của tên lửa phòng không và chống thiết giáp do Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu, quân đội Ukraine đã buộc quân đội Nga phải rút khỏi miền bắc Ukraine trong vòng sáu tuần.

Tuy nhiên, Moscow hiện đang kiểm soát một số vùng quan trọng ở miền đông và miền nam Ukraine, và muốn mở rộng hơn nữa đến trung tâm đất nước bằng cách gửi thêm quân và thiết bị.

Các chuyên gia tin rằng kế hoạch của Nga là sử dụng các cuộc pháo kích tầm xa để đánh lui phần lớn lực lượng của Ukraine và sau đó điều động binh lính mặt đất và xe tăng tới để giữ đất.

Theo Mike Jacobson, một chuyên gia dân sự Mỹ về pháo binh, lựa chọn tốt nhất của Ukraine là đánh trả bằng lực lượng pháo binh vượt trội để tiêu diệt hỏa lực của Nga.

Ông Jacobson dự đoán rằng điều này sẽ dẫn đến một “cuộc chiến tiêu hao”, trong đó Ukraine với các thiết bị do đồng minh cung cấp với tầm bắn xa hơn và nhắm mục tiêu chính xác hơn, có thể khiến người Nga “cảm thấy lạnh sống lưng.”

Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược của Đại học St Andrews, đã viết rằng cuộc chiến pháo binh sắp tới sẽ giống như Thế chiến thứ nhất, mỗi bên cố gắng hạ gục bên kia bằng các cuộc pháo kích ác liệt.

Ông cho biết quân đội Nga hiện tại đã bị suy giảm lực lượng đáng kể và chịu tổn thất lớn về trang thiết bị. Trong khi đó, quân đội Ukraine tuy nhỏ hơn, nhưng sắp được trang bị tốt hơn.

Mỹ và các đồng minh đang đẩy nhanh tốc độ cung cấp pháo cho Ukraine trong bối cảnh Nga củng cố lại lực lượng.  

Ít nhất 18 trong số 90 quả pháo kéo mà Washington hứa trong hai tuần qua đã được chuyển giao cho các lực lượng Ukraine, và nhiều hơn nữa đang được gấp rút chuyển tới vào đầu tuần này, theo một quan chức Lầu Năm Góc.

Washington cũng đang cung cấp gần 200.000 viên đạn lựu pháo, và đang thu xếp tiếp tế đạn dược cho các loại pháo do Nga sản xuất mà lực lượng Ukraine hiện đang vận hành.

Khoảng 50 binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện để sử dụng pháo của Mỹ, và nhiều hơn nữa đang được huấn luyện trong tuần này.

Trong khi đó, Pháp đang gửi lựu pháo di động Caesar cực kỳ tiên tiến và Cộng hòa Séc đang cung cấp các loại pháo tự hành cũ hơn của mình.

Canada cũng đang gửi pháo và đạn pháo “Excalibur” có khả năng dẫn đường tiên tiến. Nó có thể đi xa hơn 40 km và bắn đạn chính xác vào mục tiêu.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết cuộc chiến của Ukraine ở Donbass sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hỏa lực tầm xa, đặc biệt là pháo binh.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tập trung vào việc trang bị pháo cũng như các UAV chiến thuật”, quan chức này cho biết, ám chỉ đến việc các đồng minh cung cấp “máy bay không người lái cảm tử” trang bị bom có ​​thể được điều hướng hàng giờ để tìm kiếm và sau đó tự phát nổ vào các mục tiêu của Nga.

Xuân Lan (theo AFP)