Mỹ và Hàn Quốc sẽ bắt đầu cuộc tập trận quân sự quy mô nhỏ từ thứ Hai (5/11). Động thái này của Washington và Seoul diễn ra chỉ vài ngày trước cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Trưởng đoàn đàm phán Bắc Hàn Kim Yong-chol để thảo luận về phi hạt nhân hóa và lên kế hoạch cho cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim lần hai.

Embed from Getty Images

Tập trận chung Mỹ – Hàn Quốc hồi tháng 4/2018.

Theo Reuters, cuộc tập trận mà liên minh Mỹ – Hàn Quốc tái khởi động mang tên “The Korean Marine Exchange Program” (Chương trình Trao đổi Thủy quân lục Chiến Triều Tiên). Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận rằng một phần của cuộc tập trận sẽ diễn ra tại thành phố miền nam Pohang và không cho báo chí tiếp cận.

Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) cho biết chỉ có khoảng 500 thủy quân lục chiến của cả Mỹ và Hàn Quốc tham gia màn tập trận này.

Cuộc tập trận nêu trên đã bị đình chỉ vô thời hạn từ tháng Sáu sau khi Tổng thống Donald Trump họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un ở Singapore. Tại đó, ông Trump đã hứa chấm dứt các cuộc tập trận chung Mỹ – Hàn Quốc vốn thường bị Bắc Hàn chỉ trích gay gắt.

Cuộc tập trận này diễn ra đúng vào thời điểm trước cuộc gặp quan trọng giữa Ngoại trưởng Pompeo và quan chức cấp cao Bắc Hàn Kim Yong-chol. Trong cuộc trả lời phỏng vấn chương trình “Face the Nation” của kênh CBS, ông Pompeo nói rằng ông sẽ gặp ông Kim Yong-chol tại New York vào cuối tuần này.

Tôi hy vọng sẽ đạt được một số tiến bộ thực tế, trong đó có nỗ lực đảm bảo rằng cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo có thể diễn ra, nơi mà chúng tôi có thể đạt được các bước tiến đáng kể về phi hạt nhân hóa”, ông Pompeo nói trên kênh CBS.

Vào tuần trước, tại Washington D.C, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã nói rằng Mỹ và Hàn Quốc trong tháng Mười Hai tới sẽ đưa ra quyết định về số phận các cuộc tập trận chung trong năm 2019. Đầu tháng này, cuộc tập trận chung Mỹ – Bắc Hàn quy mô lớn mang tên “Vigilant Ace” đã bị đình chỉ. Đây là một trong nhiều cuộc tập trận lớn được Washington và Seoul tạm dừng để khuyến khích đối thoại với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn tổ chức các cuộc tập trận chung với đồng minh Nhật Bản. Từ thứ Hai (5/11) tới thứ Năm (8/11), Mỹ, Nhật và Canada sẽ tham gia tập trận “Keen Sword” (Kiếm Sắc) tại biển Nhật Bản. Cuộc tập trận này có sự tham gia của 57.000 quân nhân Mỹ, Nhật Bản và có tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ, các tàu khu trục Nhật Bản và một tàu chiến của Canada. Đây được cho là động thái quan trọng khác mà Mỹ cùng đồng minh nhắm vào việc gây áp lực lên Bắc Hàn.

Về phía Bắc Hàn, họ chưa có phát ngôn chính thức về việc Mỹ, Hàn Quốc tổ chức tập trận quy mô nhỏ và cuộc tập trận chiến tranh chung lớn nhất từ trước tới nay tại Nhật Bản. Nhưng hôm thứ Sáu (2/11), một quan chức Bộ Ngoại giao Bắc Hàn đã lên tiếng cảnh báo rằng họ có thể khởi động lại chương trình hạt nhân của mình nếu Mỹ không dỡ bỏ chiến dịch “áp lực tối đa” và các chế tài.

Thông tấn xã Bắc Hàn (KCNA) dẫn phát biểu của một quan chức Bộ Ngoại giao Bắc Hàn cho hay: “Việc cải thiện mối quan hệ và các chế tài là không tương đồng. Mỹ nghĩ rằng ‘các chế tài và áp lực’ lặp đi lặp lại của họ có thể dẫn tới ‘phi hạt nhân hóa’. Chúng tôi không thể nhịn cười với ý tưởng ngờ nghệch như vậy”.

Đây là lần đầu tiên Bắc Hàn lên tiếng đe dọa sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân kể từ sau cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim hồi tháng Sáu. Bắc Hàn đã dừng thử hạt nhân và tên lửa được gần một năm và họ nói rằng đã đóng cửa bãi thử hạt nhân chính của mình và có kế hoạch tháo dỡ nhiều cơ sở hạt nhân, tên lửa nữa.

Trong vài tuần gây đây, Bắc Hàn bắt đầu nhấn mạnh hơn về việc Mỹ cần phải đưa ra các nhượng bộ đối ứng với những gì mà chế độ Bình Nhưỡng đã thực hiện thời gian qua.

Tuyên bố hôm 2/11 của quan chức Bộ Ngoại giao Bắc Hàn nói thêm rằng: “Như đã chỉ ra, Mỹ là bên hoàn toàn chịu trách nhiệm cho tất cả những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, kể cả vấn đề hạt nhân và do đó, bên đã gây ra tất cả những điều này phải tháo dỡ nút thắt mà họ đã làm”.

Phía Mỹ chưa lên tiếng chính thức về tuyên bố mới nhất của Bắc Hàn. Nhưng gầy đây các quan chức Washington cũng đã dấy lên nghi ngại về cam kết của ông Kim Jong-un trong việc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà chế độ này đã nỗ lực tạo dựng trong nhiều thập kỷ. Washington khẳng định họ sẽ không ủng hộ ý tưởng nới lỏng chế tài quốc tế cho đến khi nào nhiều tiến bộ có thể kiếm chứng hơn được thực hiện.

Trả lời phỏng vấn trên “Fox News Sunday”, Ngoại trưởng Mike Pomepo cho biết chính phủ Trump muốn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên hoàn toàn và có thể kiểm chứng. Ông Pompeo nói thêm rằng Tổng thống Trump khẳng định “không có cứu trợ kinh tế cho tới khi chúng tôi đạt được mục tiêu tối thượng của mình”.

Yên Sơn

Xem thêm: