Ngày 9/12, Hoa Kỳ đã khởi động Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ kéo dài hai ngày với lời kêu gọi các quốc gia tự nhìn lại, tái cấu trúc và đổi mới trong bối cảnh nhiều nền dân chủ trên toàn thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Embed from Getty Images

Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Joe Biden hoan nghênh đại diện từ hơn 100 quốc gia được mời và cam kết tài trợ hàng trăm triệu đô la để tăng cường tự do truyền thông, chống tham nhũng và bảo vệ bầu cử trên toàn cầu.

“Dân chủ không xảy ra một cách ngẫu nhiên. Chúng ta phải đổi mới nó theo từng thế hệ”, TT Biden nói tại cuộc họp trực tuyến. “Và đây là vấn đề cấp bách đối với tất cả chúng ta.”

Ông Biden đã bác bỏ các lập luận về sự ưu việt của chế độ độc tài, khi những nhà lãnh đạo các chế độ này cho rằng hệ thống ra quyết định từ trên xuống dưới của họ nhanh hơn chế độ dân chủ, cũng như ngăn chặn sự chia rẽ xã hội tốt hơn.

Ông Biden nói về các chính phủ như vậy: “Họ tìm cách nâng cao quyền lực của mình, xuất khẩu và mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp thế giới và biện minh rằng các chính sách và thực tiễn đàn áp của họ là cách hiệu quả hơn để giải quyết những thách thức ngày nay. Đó là cách mà nó được rao giảng, bởi những tiếng nói muốn thổi bùng ngọn lửa của việc phân chia xã hội và phân cực chính trị.”

Trong phần kết luận bài phát biểu của mình, ông Biden nói rằng nền dân chủ có thể còn sai sót, nhưng nó có thể tự sửa chữa.

Trong hội nghị, TT Biden kêu gọi những quốc gia được mời thực hiện các bước cụ thể trong “năm hành động” sắp tới để chống lại chủ nghĩa độc tài, chống tham nhũng và bảo vệ nhân quyền – ba chủ đề chính của cuộc họp.

Trong một số biện pháp ám chỉ đến Trung Quốc, TT Biden đã công bố một quỹ cho công nghệ chống kiểm duyệt để giúp kết nối nhiều người dùng hơn trong một mạng internet không bị kiểm duyệt.

Ông cũng kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn việc giám sát và các công nghệ khác mà các quốc gia độc tài sử dụng để trấn áp công dân của họ.

Ngân sách quỹ mà ông Biden đã công bố để hỗ trợ các mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh được Nhà Trắng cho biết có trị giá 424 triệu đô la. Nó sẽ phải trình lên Quốc hội Hoa Kỳ để được phê duyệt.

Sáng kiến ​​toàn cầu này sẽ bao gồm: 47 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ các phương tiện truyền thông độc lập; 76 triệu đô la Mỹ cho việc chống tham nhũng; 63 triệu đô la Mỹ cho các nhóm cải cách công dân và các nhóm bị thiệt thòi; 122 triệu đô la Mỹ cho bảo vệ người lao động; 28 triệu đô la Mỹ cho các sáng kiến ​​công nghệ; và 85 triệu đô la Mỹ cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, các nhà hoạt động bầu cử dân chủ và công bằng.

Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh và Hoa Kỳ đang nỗ lực tăng cường quan hệ giữa các đồng minh nhằm chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Chiến lược liên kết với các đồng minh để chống lại Bắc Kinh của chính quyền Biden cho đến nay đã đạt được một số bước tiến.

Washington đã tiếp tục thắt chặt quan hệ với các nước trong liên minh Bộ Tứ gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Australia. 

Vào tháng 9, liên minh quân sự AUKUS được công bố, bao gồm hợp tác giữa Australia, Vương quốc Anh và Mỹ.

Và trong tuần này, sau khi chính quyền Biden tuyên bố tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, Australia, New Zealand, Anh và Canada đã nhanh chóng ủng hộ.

Trung Quốc và Nga, hai nước không được mời tham dự hội nghị, đã coi cuộc tập hợp này là gây chia rẽ và là di sản của tâm lý Chiến tranh Lạnh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hôm thứ Năm tại Bắc Kinh: “Dù Hoa Kỳ có tự che đậy mình như thế nào đi nữa, thì bộ mặt thật của việc truy cầu bá quyền dưới chiêu bài dân chủ đã bị phơi bày ra thế giới”.

“Cái gọi là ‘Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ’ sẽ chỉ đi vào lịch sử như một chiêu bài thao túng và phá hoại nền dân chủ.”

Các nhà phân tích cho rằng hội nghị thượng đỉnh dường như đã khiến Bắc Kinh và Matxcơva lo ngại vì hai nước có thể bị cô lập về mặt ngoại giao và tính hợp pháp của các chính phủ độc tài này sẽ bị nghi ngờ ở quê nhà.

Lê Vy 

Xem thêm: