Reuters, dẫn theo nguồn tin từ một quan chức Mỹ giấu tên, cho biết một tàu khu trực Hải quân Mỹ hôm Chủ Nhật (30/9) đã đi qua Trường Sa, gần các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Embed from Getty Images

Vị quan chức giấu tên nói với Reuters rằng tàu khu trục Decatur của Hải quân Mỹ đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của các bãi đá Gaven và Johnson, thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Hoạt động này được cho là nỗ lực mới nhất của Washington để chống lại điều họ xem là nỗ lực của chế độ Bắc Kinh nhằm giới hạn tự do hàng hải trên vùng biển chiến lược ở Đông Nam Á.

Chúng tôi thực hiện các hoạt động tự do hàng hải theo thông lệ và thường xuyên như chúng tôi đã thực hiện trong quá khứ và sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai”, vị quan chức Mỹ khẳng định.

Reuters cho biết họ đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để yêu cầu bình luận về động thái mới nhất của Mỹ trên Biển Đông, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trước nay, Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố chủ quyền hầu hết biển đông và lập luận rằng họ đang thực hiện nhiệm vụ phòng vệ trong lãnh thổ của họ. Mới đây, tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định Trung Quốc đã có chủ quyền “rõ ràng” trên Biển Đông.

Về phía Mỹ, họ đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông và quan ngại rằng chế độ Bắc Kinh có thể sử dụng các tiền đồn này để hạn chế hoạt động tự do hàng hải.

Quân đội Mỹ có quan điểm kiên định về việc thực hiện hoạt động tự do hàng hải trên toàn thế giới, bao gồm cả các khu vực mà đồng minh của họ tuyên bố chủ quyền và cho đây là điều tách bạch với các cân nhắc chính trị khác.

Vào tháng Năm vừa qua, hai tàu Hải quân Mỹ cũng đã tuần tra gần các đảo tại Biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng.

Mới đây, Mỹ cũng đã điều động oanh tạc cơ B-52 bay qua Biển Đông như một phần của “hoạt động đã được lên lịch thường xuyên”.

Theo Reuters, hôm 27/9, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn cho biết hành trình máy bay ném bom B-52 quá cảnh qua Biển Đông là một phần của “các hoạt động được lên lịch thường xuyên nhằm thúc đẩy khả năng tương tác của chúng tôi với các đối tác và đồng minh trong khu vực”.

Trong thời gian qua, các đồng minh khác của Mỹ như Anh Quốc và Nhật Bản cũng thường xuyên có các hoạt động diễn tập và tuần tra ở gần Biển Đông và đi qua Biển Đông.

Động thái tăng cường hoạt động hải quân tại Biển Đông của Mỹ đến vào thời điểm căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng leo thang và đang có dấu hiệu vượt ra ngoài tranh chấp thương mại thông thường.

Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua, Tổng thống Trump đã công khai cáo buộc Trung Quốc đang nỗ lực can thiệp vào bầu cử quốc hội Mỹ sẽ diễn ra đầu tháng Mười Một. Ngoại giới nhận định rằng phát ngôn của ông Trump đánh dấu giai đoạn mới trong chiến lược leo thang của Washington để gây áp lực toàn diện lên Bắc Kinh.

Mỹ cũng đã chính thức chế tài một cơ quan quân đội Trung Quốc và người điều hành cơ quan này do mua khí tài quân sự của Nga vi phạm các biện pháp trừng phạt mà Washington đang áp đặt lên Moscow.

Theo Rueters, Trung Quốc đã đáp trả chế tài của Mỹ bằng cách tạm hoãn các cuộc đối thoại quân sự song phương Trung – Mỹ trong tháng này, đồng thời, tiếp tục dùng công cụ tuyên truyền để xâm nhập vào báo giới Mỹ nhằm dẫn dắt công luận Mỹ, gây bất lợi cho ông Trump và đảng Cộng hòa trong cuộc đua kiểm soát lưỡng viện vào 6/11.

Xuân Thành

Xem thêm: