Mỹ hôm thứ Ba (3/9) đã thông báo áp đặt chế tài lên cơ quan vũ trụ dân sự Iran và hai tổ chức nghiên cứu không gian của nước này. Washington cáo buộc chế độ Tehran sử dụng các cơ quan vũ trụ để che đậy việc thúc đẩy chương trình tên lửa đạn đạo.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ đã chế tài Cơ quan Vũ trụ Iran, Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Iran và Viện Nghiên cứu Du hành Vũ trụ.

Cơ quan Vũ trụ Iran phát triển vệ tinh và công nghệ xe phóng tên lửa, và làm việc cùng với Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ về các nhiệm vụ hàng ngày, cũng như công việc nghiên cứu và phát triển, theo Bộ Ngoại giao Mỹ. Hai cơ quan này cũng làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Shahid Hemmat – một tổ chức nghiên cứu chế tạo tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng.

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu Du hành Vũ trụ đang quản lý dự án tàu du hành vũ trụ, cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong một tuyên bố phát đi hôm 3/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay: “Mỹ sẽ không cho phép Iran sử dụng chương trình phóng tàu vũ trụ làm vỏ bọc để thúc đẩy các chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Ông Pompeo cho biết nỗ lực thử tàu du hành không dân hôm thứ Năm (29/8) của Iran đã nhấn mạnh “tính khẩn cấp của mối đe dọa này”.

Theo Reuters, một tên lửa của Iran đã phát nổ ngay ở bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Imam Khomeini, miền bắc Iran trước một vụ phóng vệ tinh theo lịch vào hôm 29/8. Trước đó, vào tháng Một, Iran cũng gặp thất bại trong nỗ lực phóng vệ tinh vào không gian.

Hôm thứ Sáu (30/8), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng lên Twitter một bức tranh được cho là hiện trường vũ phóng vệ tinh thất bại của Iran trước đó một ngày.

Chế tài mới mà Mỹ áp đặt lên Iran là lần đầu tiên Washington trừng phạt các cơ quan vũ trụ của chế độ Tehran và nằm trong chiến dịch gây áp lực tối đa của Mỹ để ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Mỹ e ngại công nghệ đạn đạo tầm xa được sử dụng để đẩy vệ tinh vào quỹ đạo trái đất của Iran cũng có thể được nước này sử dụng phóng đầu đạn hạt nhân.

Trước nay, Iran vẫn tuyên bố phủ nhận hoạt động vũ trụ của họ là vỏ bọc cho phát triển phóng vũ khí.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 3/9 nhấn mạnh thêm rằng: “Các chế tài mới nên được coi là cảnh báo cho cộng đồng quốc tế rằng việc hợp tác với chương trình vũ trụ của Iran có thể đóng góp vào khả năng của Iran trong việc phát triển hệ thống phóng vũ khí hạt nhân.

Trong một diễn biến khác liên quan tới Iran, một số nguồn tin giấu tên nói với Reuters rằng Pháp đã đề xuất cấp gói tín dụng 15 tỷ USD cho chế độ Tehran để nước này quay lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015.

Tuy nhiên, đề xuất của Pháp cần phải nhận được sự đồng ý của Mỹ và khả năng này là rất thấp vì chính quyền Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015.

Một phái đoàn của Iran, gồm các quan chức dầu mỏ và tài chính đã tới Paris, Pháp vào hôm thứ Hai (2/9) để đàm phán chi tiết về gói tín dụng mà Pháp đề xuất.

Một nguồn tin giấu tên nói với Reuters: “Vấn đề đặt ra là phải biết liệu chúng ta có đạt được mức 15 tỷ USD, thứ hai là ai sẽ cung cấp tín dụng, và thứ ba là chúng ta ít nhất cần phải nhận được sự đồng ý ngầm của Mỹ. Chúng ta vẫn không biết lập trường của Mỹ là gì.

Một quan chức Iran giấu tên nói với Reuters: “Pháp đã đề xuất gói tín dụng 15 tỷ USD, nhưng chúng tôi vẫn đang thảo luận về nó. Cần đảm bảo rằng chúng tôi sẽ có quyền tiếp cận số tiền này một cách tự do và Iran cũng cần phải được bán dầu của mình và có quyền tiếp cận vào tiền bán dầu (của chính mình).

Một quan chức Iran thứ hai cho biết: “Mặc dù EU và đặc biệt là Pháp đã có thiện chí, nhưng họ nên thuyết phục Mỹ hợp tác với họ… Nếu không, Iran sẽ rất nghiêm túc trong việc giảm các cam kết hạt nhân. Không có lý gì phải tôn trọng thỏa thuận 2015, nếu nó không đem lại lợi ích cho chúng tôi.

Như Ngọc

Xem thêm: