Chính quyền Trump hôm thứ Tư (26/8) đã liệt vào danh sách đen 24 công ty và hàng chục cá nhân Trung Quốc liên quan tới các hành động xây dựng và quân sự hóa Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Mỹ trừng phạt các thực thể Trung Quốc liên quan tới vùng biển chiến lược tại Đông Nam Á.

da chu thap Bien Dong
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quố chiếm đóng. (Ảnh: CSIS/AMTI)

Theo Reuters, Bộ Thương mại Mỹ hôm 26/8 phát đi thông báo cho biết 24 công ty “đóng vai trò hỗ trợ quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án tại Biển Đông”. Thông báo nêu rõ đã bổ sung 24 công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể (Entity List), tức danh sách các công ty bị Mỹ trừng phạt.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng khẳng định trong thông cáo: “Các thực thể bị liệt vào danh sách hôm nay đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng gây hấn những đảo nhân tạo này của Trung Quốc và họ phải chịu trách nhiệm“.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phát đi một tuyên bố riêng rẽ khác nói rằng họ sẽ áp đặt hạn chế thị thực đối với các cá nhân Trung Quốc “chịu trách nhiệm cho hoặc liên quan đến” hành động [xây dựng và quân sự hóa Biển Đông] và những cá nhân liên quan tới việc “Trung Quốc sử dụng hành vi cưỡng ép các nước Đông Nam Á cùng tuyên bố chủ quyền [trên Biển Đông] để ngăn cản các quốc gia này tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi xa”. Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu tên các cá nhân bị chế tài nhưng một quan chức giấu tên nói với Reuters rằng “hàng chục” cá nhân Trung Quốc sẽ bị hạn chế thị thực nhập cảnh Mỹ.

Trong số 24 công ty Trung Quốc bị chế tài lần này, có Tập đoàn Viễn thông Guangzhou Haige, nhiều công ty liên quan tới Công ty Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC), Công ty Viễn thông Beijing Huanjia, Công ty Dữ liệu Viễn thông Changzhou Guoguang, Tập đoàn Công nghệ Điện Trung Quốc và Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc.

Mỹ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trái phép Biển Đông, ra sức bắt nạt các nước láng giềng đang muốn khai thác trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào trên vùng biển chiến lược này. Song đây mới là lần đầu tiên Washington chính thức trừng phạt các công ty và cá nhân liên quan tới việc hỗ trợ các hoạt động của quân đội Trung Quốc trên Biển Đông.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters sau thông báo của Bộ Thương mại Mỹ. Nhưng trước đó từ hồi tháng Bảy, cơ quan ngoại giao này đã tuyên bố rằng Bắc Kinh không sợ bất kỳ chế tài nào mà Mỹ có thể áp đặt và cáo buộc Mỹ quấy động rắc rối và gây bất ổn khu vực.

Reuters dẫn lời chuyên gia Biển Đông Greg Poling tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: “Đây là lần đầu tiên Mỹ áp đặt kiểu trừng phạt kinh tế dạng này đối với các thực thể Trung Quốc vì hành vi trên Biển Đông. Động thái này có  lẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng trực tiếp đối với các bên bị chế tài… Nhưng nó có thể là một sự khởi đầu cho nỗ lực thuyết phục các đối tác Đông Nam Á rằng chính sách mới [của Mỹ về Biển Đông] không chỉ là lời nói suông”.

Các nước liên quan tới tranh chấp Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan hiện chưa đưa ra tuyên bố chính thức về việc Mỹ chế tài các công ty và cá nhân Trung Quốc.

Xuân Thành

Xem thêm: