Chính quyền Tổng thống Biden đang lên kế hoạch yêu cầu hầu hết các du khách nước ngoài phải tiêm vắc-xin đầy đủ trước khi vào nước Mỹ. Động thái này được xem là một phần nằm trong ý định tiến tới việc gỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại đang áp dụng với công dân nhiều quốc gia khác khi vào Hoa Kỳ, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng hôm 4/8 vừa qua.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: Par Haris Mm/Shutterstock)

Nhà Trắng muốn mở cửa trở lại hoạt động du lịch (điều này sẽ thúc đẩy việc kinh doanh cho các hãng hàng không cũng như ngành du lịch), nhưng lại chưa sẵn sàng gỡ bỏ ngay các hạn chế trong bối cảnh gia tăng số ca mắc COVID-19 và xuất hiện biến thể Delta có khả năng lây lan cao, vị quan chức này cho biết .

Chính quyền Tổng thống Biden có các nhóm công tác liên ngành làm việc “để chuẩn bị sẵn sàng một hệ thống mới cho thời điểm mà chúng tôi có thể mở lại hoạt động du lịch”, vị quan chức này cho biết thêm. Theo nguồn tin này, hệ thống mới bao gồm “một cách tiếp cận theo từng giai đoạn, mà theo thời gian, trừ một số ít ngoại lệ, công dân nước ngoài đến Mỹ (từ tất cả các quốc gia) cần phải tiêm chủng đầy đủ”.

Các hạn chế đi lại được Mỹ lần đầu tiên được Mỹ áp đặt đối với Trung Quốc vào tháng 1/2020 để giải quyết sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Nhiều quốc gia khác đã được thêm vào danh sách hạn chế, gần đây nhất là trường hợp của Ấn Độ vào tháng 5/2021.

Tháng trước, Reuters đưa tin rằng Nhà Trắng đang xem xét yêu cầu du khách nước ngoài phải tiêm chủng, coi đây như một phần nội dung thảo luận liên quan đến việc nới lỏng các hạn chế đi lại.

Vị quan chức này cho biết thêm “các nhóm công tác đang phát triển một chính sách và quy trình lập kế hoạch để chuẩn bị cho thời điểm thích hợp nhằm chuyển đổi sang hệ thống mới này”.

Một số quốc gia, bao gồm Canada và Vương quốc Anh, đang nới lỏng hoặc gỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với những người Mỹ đã tiêm vắc-xin.

Nhà Trắng đã tổ chức các cuộc thảo luận với các hãng hàng không và các đơn vị khác về cách thức thực hiện chính sách yêu cầu tiêm vắc-xin cho du khách nước ngoài. Chính quyền Tổng thống Biden còn phải trả lời các câu hỏi khác như bằng chứng tiêm chủng nào sẽ được nước này công nhận và liệu họ có chấp nhận vắc-xin mà một số quốc gia đang sử dụng nhưng chưa được các cơ quan quản lý của Mỹ cấp phép hay không.

Hoa Kỳ hiện đang cấm nhập cảnh đối với hầu hết những người không phải là công dân nước này đã có 14 ngày gần nhất ở Vương quốc Anh, ở 26 quốc gia Schengen thuộc Châu Âu không áp dụng việc kiểm soát biên giới, ở Ireland, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Brazil.

Các cuộc thảo luận liên ngành của Nhà Trắng trước đó tập trung vào việc yêu cầu tiêm vắc-xin cho gần như tất cả các du khách nước ngoài nhập cảnh bằng đường hàng không. Quan chức Nhà Trắng đã không trả lời ngay lập tức các câu hỏi về việc liệu chính quyền Tổng thống Biden có đang lên kế hoạch yêu cầu những du khách đến từ Mexico và Canada phải tiêm chủng trước khi qua biên giới đường bộ hay không.

Hiện những du khách nước ngoài duy nhất từ Mexico và Canada được phép vào Mỹ qua đường bộ là những người lao động làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu như tài xế xe tải hoặc y tá.

Không rõ chính quyền sẽ duy trì các hạn chế hiện tại trong bao lâu nhưng vị quan chức này nhắc lại rằng tình trạng lây lan có vẻ như sẽ tiếp tục diễn biến xấu trong những tuần tới và “Mỹ sẽ duy trì các hạn chế đi lại hiện tại vào thời điểm này”.

Các quan chức trong ngành vẫn cho rằng sẽ mất ít nhất vài tuần và có khả năng là vài tháng trước khi các hạn chế được gỡ bỏ.

Nhiều người chỉ trích các chính sách hạn chế nói rằng chúng không còn có ý nghĩa nữa bởi một số quốc gia có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao không nằm trong danh sách hạn chế, trong khi các quốc gia trong danh sách này đã kiểm soát được đại dịch.

Tuần trước, Reuters đưa tin Nhà Trắng đang thảo luận về khả năng bắt buộc tiêm vắc-xin COVID-19 cho du khách quốc tế. Các nguồn tin cho biết rằng vào thời điểm đó không có quyết định nào được đưa ra.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đã nói chuyện với các hãng hàng không Mỹ trong những tuần gần đây về việc thiết lập tính năng theo dõi liên lạc quốc tế cho các hành khách trước khi gỡ bỏ những hạn chế đi lại.

Theo Reuters,

Phan Anh

Xem thêm: