Bộ Tài chính Mỹ hôm 14/1 cho biết Mỹ đang giám sát một danh sách 10 quốc gia trong đó có Việt Nam về nguy cơ thao túng tiền tệ. 

mnuchin
Bộ tưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (Ảnh: Shutter Stock)

Theo tường thuật của Bloomberg, Việt Nam và các nước trong danh sách của Bộ Tài chính Mỹ bị đánh giá là có thể đã sử dụng tỷ giá hối đoái để đạt được lợi ích không công bằng về xuất khẩu đối với Mỹ. Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam còn có Malaysia và Singapore thuộc danh sách này.

Trong báo cáo bán thường niên mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá Việt Nam chỉ vi phạm một trong ba tiêu chí, giảm so với 2 vi phạm được nêu trong báo cáo hồi tháng 5/2019.

Thâm hụt mậu dịch của Mỹ đối với Việt Nam năm 2019 là 47 tỷ USD, mức thâm hụt cao thứ 6 trong số các đối tác thương mại của Mỹ và tăng đáng kể với con số 35 tỷ USD năm 2018. Trong khi đó, so với kỳ báo cáo trước, thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam đã giảm xuống dưới 2% GDP, Việt Nam không còn vi phạm tiêu chí này.

Việt Nam gần đây đã tìm cách tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ để thu hẹp thâm hụt mậu dịch đối với Mỹ sau khi Tổng thống Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa của Việt Nam tương tự Trung Quốc.

Mỹ vừa rút Trung Quốc khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ hôm, một cử chỉ thiện chí trước khi hai nước ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Trong khi đó, thâm hụt mậu dịch của Việt Nam và Trung Quốc năm 2019 cũng tăng lên tới 34 tỷ USD từ con số 24 tỷ USD một năm trước đó. Hải quan Mỹ báo động tình trạng hàng hóa Trung Quốc đi đường vòng qua ngả Việt Nam để lách thuế và đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao tới hơn 400% đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc.

Theo Bloomberg, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam phải phụ thuộc vào Trung Quốc để có vật liệu và trang thiết bị phục vụ ngành sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều nhân lực của mình.

Cũng trong ngày 14/1, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam khẳng định Việt Nam không tìm cách “tạo ra lợi thế bất công” trong thương mại quốc tế sau khi nhận được tin tức từ Bộ Tài chính Mỹ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành liên quan để thảo luận và trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác”, thông báo viết.

Ngân hàng trung ương của Việt Nam cũng cho hay họ sẽ tiếp tục điều hành “chính sách tài chính linh hoạt” nhằm kiềm chế lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước đó, hôm 2/1 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định rằng một trong những ưu tiên của Việt Nam năm 2020 là tiếp tục làm việc với các đối tác thương mại lớn để chứng minh Việt Nam “không thao túng tiền tệ”.

Đức Trí (T/h)