Chính quyền Trump hôm thứ Bảy (19/9) đã loan báo tất cả các chế tài Liên Hiệp Quốc áp lên Iran đã được khôi phục theo điều khoản “tái thiết lập” (snapback).

Embed from Getty Images

Theo hãng tin AP, chính phủ Mỹ hôm 19/9 cho biết hành động kích hoạt cơ chế “snapback” trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà bao hàm thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã có hiệu lực từ 20 giờ ngày 19/9 (giờ miền đông nước Mỹ).

Cơ chế “snapback” có nghĩa rằng các chế tài quốc tế đã được nới lỏng hoặc đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 sẽ được tái áp đặt và phải được các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thực thi, trong đó có việc trừng phạt Iran vì quốc gia này làm giàu uranium tới bất kỳ mức nào, các hoạt động tên lửa đạn đạo hoặc mua bán vũ khí thông thường.

Thông báo trên của Washington được đưa ra 30 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo với Hội đồng Bảo an rằng Iran không thực thi đầy đủ nghĩa vụ theo thỏa thuận hạt nhân 2015 với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành đồng Toàn diện Chung (JCPOA).

Ông Pompeo nói trong một tuyên bố: “Mỹ thực hiện hành động quyết đoán này bởi vì ngoài việc Iran không thực thi các cam kết trong JCPOA, thì Hội đồng Bảo an cũng không gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran vốn đã được thực thi 13 năm”.

Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện tiến trình snapback để khôi phục hầu như tất cả các chế tài Liên Hiệp Quốc đã bị kết thúc, kể cả lệnh cấm vận vũ khí. Thế giới sẽ an toàn hơn nhờ hành động này”, ông Pompeo nói.

Chính quyền Trump vào thứ Hai tuần tới (21/9) sẽ ban hành lệnh hành pháp để cụ thể hóa các kế hoạch của họ trong việc khôi phục các chế tài đã được phục hồi này.

Tuy nhiên, động thái nêu trên của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của 13/15 thành viên Hội đồng Bảo an. Họ nói rằng Mỹ đã mất vị thế pháp lý để viện dẫn điều khoản snapback khi Tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ khỏi JCPOA từ năm 2018 và đã đơn phương tái áp đặt chế tài lên Iran.

Trái lại, Mỹ lập luận rằng họ vẫn có quyền vận dụng điều khoản snapback bởi vì họ là thành viên ban đầu của thỏa thuận này và cũng là thành viên của Hội đồng Bảo an.

Trung Quốc và Nga vừa là bên tham gia JCPOA, vừa là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, đã đặc biệt kịch liệt phản đối động thái của Mỹ.

Ba quốc gia châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức là bên tham gia JCPOA hôm 18/9 đã gửi thư lên chủ tịch Hội đồng Bảo an nói rằng thông báo của Mỹ “là không có hiệu lực pháp lý và vì vậy không thể khiến tiến trình [tái thiết lập chế tài] có hiệu lực”. Anh, Pháp, Đức cũng nhấn mạnh rằng việc nới lỏng chế tài theo JCPOA sẽ vẫn được duy trì.

Tổng thống Trump dự kiến sẽ nói về Iran trong bài phát biểu tại phiên họp cấp cao thường niên của Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra vào thứ Ba (22/9). Ông Trump không bay tới trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York mà sẽ phát biểu qua đường truyền video từ Tòa Bạch Ốc.

Như Ngọc