Hoa Kỳ cho biết họ sẽ mở Đại sứ quán ở Quần đảo Solomon nhằm tăng cường ảnh hưởng của mình ở quốc gia Nam Thái Bình Dương này trước khi Trung Quốc “nhúng tay” vào.

Tuyên bố được đưa ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken hạ cánh xuống Fiji vào thứ Bảy trong chuyến công du Thái Bình Dương bắt đầu ở Australia và kết thúc ở Hawaii.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết người dân Đảo Solomon trân trọng lịch sử của họ với người Mỹ, nhưng Mỹ có nguy cơ đánh mất mối quan hệ hữu hảo khi Trung Quốc “ráo riết tìm cách lôi kéo” các chính trị gia và doanh nhân ưu tú ở đảo quốc này.

Động thái này diễn ra sau khi bạo loạn làm rung chuyển đất nước 700.000 dân vào tháng 11. Bạo loạn nổi lên với những bất bình về các vấn đề kinh tế và lo ngại về mối liên kết ngày càng tăng của nước này với Trung Quốc. 

Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon đã sống sót sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng sau đó, nói với các nhà lập pháp trong một bài phát biểu dài 90 phút rằng ông không làm gì sai và sẽ không cúi đầu trước “thế lực xấu xa” hoặc “các đặc vụ của Đài Loan. “

Trước đây, Mỹ đã vận hành một Đại sứ quán ở Solomons trong 5 năm trước khi đóng cửa nó vào năm 1993. Kể từ đó, các nhà ngoại giao Mỹ từ nước láng giềng Papua New Guinea đã được ủy nhiệm cho cả Solomons.

Thông báo mở Đại sứ quán được cho là phù hợp với chiến lược mới của chính quyền Biden đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng quan hệ đối tác với các đồng minh trong khu vực như một cách để chống lại ảnh hưởng và tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong thông báo gửi tới Quốc hội, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Trung Quốc đã “sử dụng mô hình quen thuộc là những lời hứa bạt mạng, các khoản vay cơ sở hạ tầng tốn kém và các mức nợ nguy hiểm” khi giao dịch với các nhà lãnh đạo chính trị và thương mại từ Quần đảo Solomon.

“Hoa Kỳ có lợi ích chiến lược trong việc tăng cường mối quan hệ chính trị, kinh tế và thương mại của chúng tôi với Quần đảo Solomon, quốc đảo lớn nhất ở Thái Bình Dương, nơi không có Đại sứ quán Hoa Kỳ”, Bộ Ngoại giao viết.

Bộ Ngoại giao cho biết họ không mong đợi xây dựng một Đại sứ quán mới ngay lập tức nhưng trước tiên sẽ thuê mặt bằng với chi phí thiết lập ban đầu là 12,4 triệu đô la Mỹ. Đại sứ quán sẽ được đặt tại thủ đô Honiara và bắt đầu với quy mô nhỏ, với hai nhân viên người Mỹ và khoảng năm nhân viên địa phương.

Ngoại trưởng Blinken đến Fiji sau khi thăm Melbourne, nơi ông có cuộc gặp với những người đồng cấp “Bộ Tứ” từ Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. 

Tại Fiji, ông Blinken có kế hoạch gặp gỡ các nhà lãnh đạo quần đảo Thái Bình Dương để thảo luận về cuộc khủng hoảng khí hậu, đại dịch corona và hỗ trợ thiên tai. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Ngoại trưởng Hoa Kỳ tới Fiji kể từ năm 1985.

Nhật Minh (theo AFP)

Xem thêm: