Các quan chức của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm thứ Sáu (7/1) nói rằng họ sẽ không đồng ý với yêu cầu của Nga về việc NATO phải dừng mở rộng về phía Đông, theo AP đưa tin.

Embed from Getty Images

Theo AP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 7/1 đã nói với báo giới tại Washington DC rằng: “Chúng ta sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ sự bành trướng thêm nữa của Nga, nhưng giải pháp ngoại giao vẫn có thể và được ưu tiên hơn nếu Nga lựa chọn như thế”.

NATO chưa bao giờ hứa sẽ không kết nạp thêm thành viên mới; tổ chức này không thể và sẽ không làm thế”, ông Blinken nói thêm.

Trước đó, vào tháng 12/2021, Nga đã gửi cho Mỹ và NATO một thỏa thuận dự thảo trong đó yêu cầu rằng khối liên minh quân sự của Tây Âu và Mỹ không được mở rộng tới lãnh thổ của các quốc gia phía đông, từng thuộc Liên Xô và cũng không được mở các căn cứ quân sự mới tại các quốc gia đó, đổi lại, Moscow hứa sẽ không triển khai lực lượng quân sự tại các nước mà sẽ đặt ra “mối đe dọa” cho Tây Âu.

>>Điện Kremlin nêu lên vấn đề “sinh tử” đối với Nga

Phản ứng với đề xuất đó của Nga, Ngoại trưởng Blinken nói rằng hiệp định do Nga soạn thảo không gì khác hơn là nhằm làm chệch hướng sự chú ý khỏi hoạt động huy động đông đảo lực lượng vũ trang Nga ở khu vực biên giới giáp Ukraine. Ông Blinken cho rằng việc triển khai quân rầm rộ của Nga hiện nay là màn dạo đầu xâm lược tiềm tàng, giống như Moscow đã từng sáp nhập Crimea hồi năm 2014.

Họ muốn kéo chúng ta vào một cuộc thảo luận về NATO thay vì tập trung vào vấn đề trước mắt, hành vi bành trướng của họ hướng tới Ukraine. Chúng ta sẽ không bị chuyển hướng khỏi vấn đề đó”, ông Blinken nói.

Trong khi đó, cũng theo AP, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã phát đi tuyên bố cảnh báo Nga, lên án việc Moscow đưa ra yêu sách NATO không được kết nạp thêm thành viên mới.

Ông Jens Stoltenberg nói: “Chúng tôi sẽ không nhượng bộ những nguyên tắc cốt lõi, bao gồm quyền của mọi quốc gia được quyết định con đường của chính họ, trong đó có loại hình thỏa thuận an ninh mà họ muốn tham gia”.

Chúng ta thấy các đơn vị thiết giáp, chúng ta thấy pháo binh, chúng ta thấy binh lính sẵn sàng chiến đấu, chúng ta thấy thiết bị chiến tranh điện tử và chúng ta thấy nhiều năng lực quân sự khác ở biên giới Ukraine”, ông Stoltenberg nói về sự hiện diện quân sự dày đặc của Nga ở phía Đông của Ukraine.

Cả ông Blinken và ông Stoltenberg đều khẳng định rằng phương Tây có thể tiếp tục đàm phán với Nga về kiểm soát vũ khí, nhưng ông Putin không thể hy vọng sẽ chỉ đạo cách NATO bảo vệ các thành viên có đường biên giới chung với Nga.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Chúng ta không thể bị rơi vào tình huống mà chúng ta có các thành viên NATO hạng hai; tình huống mà NATO với vai trò là một liên minh lại không thể được phép bảo vệ những thành viên đó như chúng ta bảo vệ các thành viên khác”.

Như Ngọc

Xem thêm: