Mỹ và Nga hôm thứ Hai (22/6) đã bắt đầu các cuộc đàm phán về gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START). Tuy nhiên, việc Trung Quốc từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân này có thể làm cho tiến trình gia hạn gặp khó khăn hơn.

Hình ảnh minh họa tên lửa Mỹ.
Hình ảnh minh họa tên lửa Mỹ. (Đồ họa: AlexLMX/ShutterStock)

Đặc phái viên Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã đồng ý tổ chức hội nghị hai ngày tại Palais Niederoesterreich, Vienna, Áo, bắt đầu từ ngày 22/6.

Ông Billingslea đã đăng lên Twitter chỉ trích Trung Quốc vì họ không có mặt trong cuộc đàm phán, nhưng ông cũng nói Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại riêng với Nga.

Các cuộc đối thoại tại Vienna sẽ bắt đầu. Trung Quốc không có mặt. Bắc Kinh vẫn trốn sau Bức tường Bí mật lớn về chế tạo hạt nhân và rất nhiều thứ khác. Dù vậy, chúng tôi sẽ cứ làm việc với Nga”, ông Billingslea viết trên Twitter.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Ryabkov nói rằng các dự án hạt nhân gần đây của Nga có thể được thực hiện theo các điều khoản hiệp ước New START, bao gồm cả hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất, theo NBC News. Tuy nhiên, ông Ryabkov nói với NBC News rằng ông không tin Mỹ sẽ đồng ý gia hạn hiệp ước này.

Đầu năm 2020, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước Bầu trời Mở, một thỏa thuận về chia sẻ thông tin tình báo mà Nga cũng là thành viên. Năm 2019, Mỹ cũng đã rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung. Trong cả hai lần rút lui này, Mỹ đều lấy lý do rằng Nga thiếu tuân thủ và thường xuyên vi phạm hiệp ước.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 11/6 nói trong một cuộc họp báo rằng Trung Quốc không có ý định tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân cho đến khi Mỹ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của họ.

Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn rất nhiều so với kho của Mỹ và Nga. Mỹ nên cắt giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân, tạo điều kiện cho các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác tham gia vào các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân đa phương”, bà Hoa Xuân Oánh nói.

Từ đầu tháng Sáu, Đặc phái viên Billengslea đã viết trên Twitter đề nghị Trung Quốc nên cân nhắc lại việc từ chối tham gia vào các cuộc đối thoại ba bên. Ông cáo buộc chính phủ Trung Quốc thiếu minh bạch về chương trình vũ khí hạt nhân và nói thêm rằng ghế tại bàn đàm phán trong cuộc họp tại Vienna “vẫn đang đợi Trung Quốc”.

Giám đốc Chính sách Giải giáp và Cắt giảm Đe dọa tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, ông Kingston Reif đề nghị rằng Mỹ và Nga có thể gia hạn hiệp ước New START và sau đó tiếp tục theo đuổi một cách tiếp cận ba bên, gồm cả Trung Quốc, theo Daily Caller.

Theo NBC News, Thứ trưởng Ryabkov cũng nói rằng Nga sẽ không thể ép Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán và không sẵn sàng để cố làm thế. Ông nói thêm rằng nếu Washington quan ngại về các hoạt động hạt nhân của Bắc Kinh, thì việc mời Trung Quốc tham gia vào bàn đàm phán là tùy thuộc vào các quan chức Mỹ.

Chính phủ Mỹ hiện tại đang bị ám ảnh bởi Trung Quốc”, ông Ryabkov nói và nhấn mạnh rằng thái độ đó của Mỹ làm cho tiến trình đàm phán gia hạn hiệp ước là bất khả thi. “Theo quan điểm của tôi, ý tưởng về Trung Quốc làm lu mờ mọi thứ khác”.

Theo hiệp ước New START, Mỹ và Nga có thể triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân gắn vào các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tàu ngầm hoặc phi cơ chiến đấu. Hiệp ước này cũng cho phép mỗi bên được thường xuyên kiểm tra bên kia để đảm bảo cả hai đều tuân thủ hiệp ước.

Hiệp ước New START hiện tại sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021, nếu không được hai bên ký gia hạn thêm 5 năm. Việc gia hạn hiệp ước này không yêu cầu phải có sự chuẩn thuận của quốc hội mỗi nước, nên việc thực thi sẽ rất nhanh chóng nếu hai bên đàm phán thành công.

Xuân Thành

Xem thêm: