Dân biểu Ken Buck (đảng Cộng hòa, bang Colorado) đang hy vọng triệt bỏ được ảnh hưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại các cơ sở học thuật của Mỹ thông qua các Viện Khổng Tử được Bắc Kinh tài trợ.

Embed from Getty Images

Đầu tuần này, nghị sĩ Buck đã đệ trình một bản sửa đổi đối với Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng Quốc gia năm 2022 (DNAA), trong đó ông tìm cách ngăn chặn việc dùng quỹ để tài trợ cho “bất cứ thể chế học thuật nào nhận tài trợ từ ĐCSTQ, chính phủ Trung Quốc hoặc các chi nhánh của họ, hoặc nơi nào đặt Viện Khổng Tử.” 

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Epoch Times, ông Buck đã mô tả các Viện Khổng Tử như “một nơi để chính phủ Trung Quốc mở rộng tuyên truyền trong các trường học của Mỹ.”

“Việc tuyên truyền này là sai lệch và không trung thực,” ông bổ sung. “Chúng ta với tư cách là một chính quyền không nên tài trợ cho các thể chế hoặc các cơ sở giáo dục đại học đang sử dụng và cho phép truyền bá tuyên truyền của Trung Quốc.”

Được quảng bá như chương trình về văn hoá và ngôn ngữ Trung Quốc, các Viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ đã vấp phải sự chỉ trích ngày càng mạnh mẽ ở Mỹ về vai trò của chúng trong việc thúc đẩy tuyên truyền của ĐCSTQ và kiềm chế tự do học thuật trong các trường học ở Mỹ. 

Bộ Ngoại giao thời chính quyền Trump đã chỉ định Trung tâm Viện Khổng Tử ở Mỹ là một phái bộ nước ngoài, nhìn nhận vai trò của nó như một cơ quan tuyên truyền của chế độ Trung Quốc.

Các quan chức và nhà lập pháp thời chính quyền Trump cũng đã gây áp lực buộc với các trường đại học phải tách khỏi các Viện này, kết quả hàng chục viện đã phải đóng cửa trên cả nước. Hiện tại có 36 Viện Khổng Tử ở Mỹ, giảm so với hơn 100 viện vào năm 2017, theo Hiệp hội các nhà học thuật Quốc gia.

“Tôi hy vọng là các trường đại học sẽ đóng cửa những cỗ máy tuyên truyền của một trong những địch thủ của chúng ta,” ông Buck nói.

 

Biện pháp này là một trong bốn sửa đổi trong NDAA được ông Buck đệ trình lên Uỷ ban Quy tắc Hạ viện để xem xét vào ngày 20/9, trước khi dự luật được chuyển tới sàn Hạ viện. 

Ngoài sửa đổi trên, nghị sĩ cũng đang thúc đẩy một lệnh cấm tải ứng dụng chia sẻ video TikTok do Trung Quốc sở hữu vào các thiết bị của chính phủ Mỹ. 

“Mối đe dọa ở đây là, Đảng cộng sản Trung Quốc… có thể dùng TikTok để thu thập thông tin nhạy cảm về người Mỹ,” ông Buck nói. 

Chính quyền Trump đã cố gắng cấm Tik Tok hồi tháng Tám năm ngoái, cho rằng ứng dụng có thể bị ĐCSTQ sử dụng đề theo dõi người Mỹ, nhưng lệnh này chưa từng được thi hành vì vô số lệnh tòa án cản trở. 

Tổng thống Joe Biden đã huỷ bỏ lệnh cấm này hồi tháng Sáu, thay vào đó chỉ đạo Bộ Thương mại xem xét lại các ứng dụng có quan hệ với chế độ Trung Quốc. TikTok, thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, đã phủ nhận các cáo buộc là ứng dụng này dẫn đến nguy cơ hoạt động gián điệp.

Ông Buck cũng muốn Quốc hội thể hiện một lập trường mạnh mẽ hơn đối với các vụ đàn áp nhân quyền trên quy mô lớn của ĐCSTQ ở khu vực Tân Cương, nơi hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo thiểu số khác bị giam cầm trong một hệ thống các trại tù.

Phiên bản NDAA hiện tại của Hạ viện có bao gồm việc lên án sự đàn áp của ĐCSTQ ở Tân Cương, nhưng không coi đó là tội diệt chủng. 

Ông Buck hy vọng sẽ thay đổi điều này, hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ gửi một “thông điệp thật mạnh mẽ cho Trung Quốc.”

“Điều quan trọng là Liên Hợp Quốc và các đồng minh của chúng ta trên thế giới hiểu rằng Quốc hội Mỹ tin rằng chính phủ Trung Quốc đang thực hiện hành động diệt chủng.”

Chính phủ Mỹ và nhiều cơ quan lập pháp phương Tây đã thừa nhận chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ ở Tân Cương là tội diệt chủng.

“Chúng tôi sẽ không dung thứ cho các hoạt động quân sự của họ trên khắp thế giới. Chúng tôi hiểu rõ những hoạt động của họ, chúng tôi rất lo lắng về những hoạt động đó, và chúng tôi sẽ không làm ngơ,” ông bổ sung.

“Điều quan trọng trong NDAA là chúng tôi đã gửi một thông điệp là Quốc hội tuyệt đối cương quyết trong việc nhìn nhận mối đe dọa từ Trung Quốc,” ông nói.

Ngân Hà (theo Epoch Times)

Xem thêm: