Mỹ và Nhật Bản sẽ ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới nhằm ứng phó với các mối đe dọa quốc phòng đang nổi lên, bao gồm khả năng siêu thanh và khả năng không gian, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 6/1.

39447380014 aa3929ca2c k
Hợp tác Mỹ – Nhật (Ảnh: White House Photo, D. Myles Cullen)

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Hoa Kỳ và Nhật Bản đã gặp nhau để thảo luận về việc tăng cường quan hệ an ninh, tập trung vào vai trò của Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan đến Đài Loan cũng như mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên.

Ông Blinken cho hay, liên minh Mỹ – Nhật “không chỉ nhằm củng cố các công cụ mà chúng tôi có mà còn phải phát triển những công cụ mới”. Ông nhắc đến việc Nga đang xây dựng quân đội gây hấn với Ukraine, các hành động “khiêu khích” của Bắc Kinh đối với Đài Loan, và vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên đưa tin, nước này đã bắn một “tên lửa siêu thanh” trong tuần và thành công nhắm trúng mục tiêu.

Nga, Trung Quốc và Mỹ cũng đang chạy đua chế tạo các loại vũ khí siêu thanh có tốc độ và khả năng cơ động cực cao khiến chúng khó bị phát hiện và ngăn chặn bằng tên lửa đánh chặn.

“Chúng tôi đang khởi động một thỏa thuận nghiên cứu và phát triển mới, qua đó giúp các nhà khoa học, kỹ sư và quản lý chương trình của chúng tôi hợp tác dễ dàng hơn trong các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng đang nổi lên gần đây, từ việc chống lại các mối đe dọa siêu thanh cho đến nâng cao năng lực không gian,” ông Blinken nhấn mạnh tại buổi khai mạc của cuộc họp.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng khẳng định, cuộc họp sẽ giúp thiết lập khuôn khổ cho tương lai của liên minh an ninh, bao gồm cả việc phát triển các sứ mệnh để “phản ánh khả năng ngày càng tăng của Nhật Bản trong việc đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực.”

Khi các nước láng giềng đang thử nghiệm tên lửa siêu thanh, Nhật Bản cũng đã nghiên cứu công nghệ “railgun” điện từ để nhắm mục tiêu các tên lửa đó.

Tháng trước, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã phê duyệt chi tiêu quốc phòng kỷ lục, với mức tăng hàng năm thứ 10 liên tiếp trong năm 2022.

Các quan chức hàng đầu của Nhật Bản nhận định, việc phát triển khả năng tấn công căn cứ của kẻ thù là một lựa chọn cần xem xét để tăng cường khả năng phòng thủ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng động thái như vậy có thể gặp phải những trở ngại, chẳng hạn như chủ đề hòa bình trong chính trị quốc nội.

Theo ông Blinken, hai quốc gia cũng sẽ ký một hiệp định mới kéo dài 5 năm, bao gồm Mỹ tiếp tục đồn trú lực lượng tại Nhật Bản, trong một thỏa thuận mà Nhật Bản đồng ý chi trả 9,3 tỷ USD để chia sẻ việc duy trì các lực lượng Mỹ tại Nhật Bản trong 5 năm.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Xem thêm: