Hôm Chủ nhật (28/8), Hoa Kỳ cho biết Nga không muốn thừa nhận nguy cơ bức xạ nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine, và rằng đó là lý do nước này chặn dự thảo cuối cùng của hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Embed from Getty Images

“Một mình Liên bang Nga đã quyết định chặn sự đồng thuận về một văn bản cuối cùng khi kết thúc Hội nghị lần thứ 10 về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Nga đã làm như vậy để ngăn chặn việc thừa nhận nguy cơ bức xạ nghiêm trọng tại Zaporizhzhia,” Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Tuyên bố được đưa ra sau khi Moscow hôm thứ Sáu ngăn chặn việc thông qua một tuyên bố chung về không phổ biến vũ khí hạt nhân sau các cuộc đàm phán quốc tế kéo dài tại Liên Hợp Quốc.

Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), được 191 bên ký kết xem xét 5 năm một lần, nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân, thúc đẩy giải trừ hoàn toàn và thúc đẩy hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Nga nói rằng có vấn đề với các khía cạnh “chính trị” của văn bản.

Dự thảo văn bản mới nhất đã bày tỏ “mối quan tâm nghiêm trọng” về các hoạt động quân sự xung quanh các nhà máy điện Ukraine, bao gồm cả Zaporizhzhia, cũng như việc Ukraine mất quyền kiểm soát các địa điểm như vậy và tác động tiêu cực đến an toàn.

Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu, đã bị quân đội Nga chiếm giữ vào đầu tháng 3, ngay sau khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2. Cơ sở này nằm gần chiến tuyến ở phía đông nam của Ukraine.

Kyiv và Moscow đã nhiều lần cáo buộc bên kia pháo kích vào nhà máy, và nhà điều hành của nó đã cảnh báo về nguy cơ rò rỉ phóng xạ.

Washington cũng đã yêu cầu Nga chấm dứt hoạt động quân sự gần Zaporizhzhia “và trả lại quyền kiểm soát nhà máy cho Ukraine”.

Ngân Hà