Trung Quốc ngày càng trở thành một mối đe dọa tấn công mạng đối với Hoa Kỳ và Mỹ không còn cách nào khác phải tự bảo vệ mình trước các các cuộc tấn công như vậy. Đây là kết luận của Richard D. Fisher, giảng viên cao cấp của Trung tâm Đánh giá và Chiến lược quốc tế (IASC). Ông là tác giả cuốn sách: “China’s Military Modernization: Building for Regional and Global Reach” (Tạm dịch: “Hiện đại hóa Quân sự của Trung Quốc: Sự chuẩn bị để vươn tay ra Khu vực và Toàn cầu”), theo Epoch Times. 

Trụ sở công ty máy tính Super Micro tại Ridder Park Drive ở thành phố San Jose. (Ảnh: Business Jounalist).
Trụ sở công ty máy tính Super Micro tại Ridder Park Drive ở thành phố San Jose. (Ảnh: Business Jounalist).

Ông Fisher cho hay cơn bão tranh cãi vẫn chưa giảm bớt sau câu chuyện ‘bom tấn’ của tờ Tuần báo Kinh doanh ‘Bloomberg Businessweek’ ngày 4/10 rằng các bảng mạnh chính máy tính sản xuất tại Trung Quốc của công ty Super Micro Computer Inc. ở San Jose, California, đã bị “xâm nhập” bí mật bởi các tin tặc của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong thời gian 2 năm. Một tình tiết khác trong câu chuyện chiến tranh mạng của Trung Quốc.

Sự xâm nhập này đặc biệt có khả năng giúp cho các tin tặc Trung Quốc tiếp cận ‘cửa hậu’ (back-door), vượt qua hàng rào bảo mật để xâm nhập các máy tính của các công ty Mỹ như Apple, Amazon và các cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm Bộ quốc phòng, CIA, Cơ quan An ninh Quôc gia (NSA) và Hải quân Mỹ.

Theo ông Fisher, hậu quả mà tin tức này gây ra đối với Mỹ và nhiều quốc gia khác là khổng lồ, do đó, không có gì đáng ngạc nhiên rằng, nhiều tập đoàn Mỹ đã lựa chọn cách phản ứng là phủ nhận đối với báo cáo trên hơn là công nhận rằng chúng tồn tại.

Vào ngày câu chuyện trên được Bloomberg công bố, các công ty Super Micro, Amazon và Apple đều phủ nhận việc bị tin tặc Trung Quốc xâm nhập. Ngày 18/10, ông Tim Cook, giám đốc điều hành Apple, đã yêu cầu Bloomberg phải rút lại câu chuyện của họ.

Trong một phiên điều trần của Thượng viện Mỹ hôm 9/10, bà Kirstjen Nielsen, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) cho biết mặc dù DHS không có bằng chứng ủng hộ cho luận điểm của Bloomberg về việc Trung Quốc can thiệp vào phần cứng trong chuỗi cung ứng máy tính, bà Nielsen nhận định: “Đó là một mối đe dọa rất thực tế và nổi cộm mà chúng tôi rất quan ngại”.

Bà Kirstjen Nielsen, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ. (Ảnh Getty Image)
Bà Kirstjen Nielsen, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ. (Ảnh Getty Image)

Cùng ngày 9/10, trích dẫn ý kiến của ông Yossi Appleboum, chuyên gia an ninh mạng và cựu sĩ quan tình báo quân đội Israel, tờ Bloomberg đưa tin rằng “một công ty viễn thông lớn của Mỹ” đã loại bỏ phần cứng máy tính Super Micro, được cho là bị “thao túng” bởi Trung Quốc.

Ông Appleboum cũng nói với Bloomberg rằng ông đã nhận thấy những thao túng tương tự của Trung Quốc đối với các phần cứng máy tính được sản xuất bởi các nhà cung cấp Trung Quốc khác nhau, lưu ý có vô số điểm “không đếm được” trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc, nơi việc thao túng có thể được thực hiện.

Trung Quốc muốn kiểm soát không gian mạng toàn cầu

Theo ông Fisher, trong cuộc tranh cãi này sẽ tiếp tục, “chúng ta có thể tạm dừng để xem xét thông điệp quan trọng đầu tiên của nó. Đó là Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc chiến để kiểm soát không gian mạng toàn cầu”.

Ông Fisher cho rằng đó là một phần quan trọng trong tham vọng mãnh liệt của Bắc Kinh, nhằm làm lu mờ nước Mỹ như một cường quốc quân sự toàn cầu, và áp đặt sự kiểm soát quân sự đối với hệ thống Mặt trăng – Trái đất.

Hơn nữa, cho đến khi Mỹ có thể khôi phục lại sự hợp tác giữa các đồng minh dân chủ của mình giống như thời kỳ Chiến tranh lạnh, để bảo vệ công nghệ quân sự kép của Mỹ và chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh mạng của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ ngày càng hung bạo, vũ khí hóa các loại công nghệ ‘tiềm năng tăng cường giá trị cuộc sống’, trong một nỗ lực ngăn chặn Mỹ và cuối cùng thống trị thế giới, ông Fisher nhận xét.

Một bài học nổi bật là quan điểm sai lầm về không gian mạng của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người mà trong bài phát biểu tháng 10/2000 đã lập luận cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Ông Clinton tuyên bố Internet sẽ làm “thay đổi Trung Quốc”, ám chỉ nó sẽ làm suy yếu sự kiểm soát của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tuy nhiên, ngày nay chế độ chuyên chế của ĐCSTQ đang được củng cố nhờ sự kiểm soát lên internet của nó, thông qua công cụ ngăn chặn truy cập mạng ‘Vạn lý tường lửa’ (Great FireWall), giúp cho việc tách biệt người dân Trung Quốc khỏi các trang web mà họ muốn; cho phép kiểm soát nội dung ngày càng có tính riêng tư của người dân thông qua “những thành phố thông minh”, trong đó ghi lại những hoạt động của người dân; và sử dụng hệ thống “điểm số tín nhiệm xã hội”, trong để phân loại người dân dựa trên sự trung thành của họ với ĐCSTQ, từ đó quyết định quyền đi tới các thành phố, giáo dục và có công việc tốt hơn, của người dân.

Liệu một ngày nào đó Trung Quốc có thể chấm điểm tín nhiệm xã hội tương tự cho tất cả thành viên của thế giới mạng? Ông Fisher đặt câu hỏi.

Mối quan hệ giữa công ty Super Micro với Trung Quốc

Theo ông Fisher, để trở thành “bá chủ internet toàn cầu”, Trung Quốc sẽ cần phải có một cái đại khái giống như sự tiếp cận ‘cửa hậu’ toàn bộ hệ thống của thế giới, vào những hệ thống máy tính được cho là được cung cấp bởi những nhà thầu Trung Quốc để chế tạo phần cứng cho công ty Super Micro.

Tháng 1 vừa qua, có thông tin rằng trụ sở chính của Liên minh châu Phi, do Trung Quốc xây dựng, cũng đã bị tin tặc tấn công để gửi thông tin bí mật về Trung Quốc, trong thời gian 5 năm.

Nhận thức được điều này, chính phủ Mỹ và nhiều chính phủ khác lần lượt cấm hoặc khuyến khích không phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc như Huawei hoặc ZTE. Hồi tháng 10/2016, Lầu Năm Góc đã cảnh báo nguy hiểm từ việc sử dụng máy tính của Lenovo, một công ty Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tìm cách khai thác toàn diện những hệ thống máy tính toàn cầu, tấn công chống lại một số công ty và cơ sở dữ liệu, để thu thập thông tin cá nhân, kinh tế và chính trị.

Điều này trở nên hết sức nghiêm trọng khi xem xét việc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thành lập cơ quan tình báo quân sự mới vào cuối năm 2015, Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược, để đảm bảo Trung Quốc giành chiến thắng trong các chiến trường mới chi phối bởi chiến tranh mạng, cơ sở dữ liệu, chiến tranh điện tử, vũ khí năng lượng và chiến tranh không gian.

Nếu Trung Quốc có thể lén lút “thao túng” phần cứng máy tính của các công ty Mỹ, họ cũng có thể có khả năng khiến các vũ khí tự động trong tương lai của Mỹ đổi hướng, nhắm vào tài sản Mỹ, và cùng với tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo càng khiến nó nguy hiểm hơn.

Người ta cũng không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó trong tương lai, các sĩ quan, binh lính Mỹ và gia đình họ sẽ nhận được những cuộc gọi điện thoại tự động (robocall) từ Trung Quốc, như là động thái mở đầu trong một cuộc tấn công mạng có tính phá hoại hơn nhiều. Hãy tưởng tượng cách mà Trung Quốc có thể cố gắng thao túng “con chíp bộ não” (brain chips) của các công ty Mỹ trong tương lai như thế nào, đặc biệt là khi nó được sản xuất ở Trung Quốc.

Do đó, trong một báo cáo ngày 5/10 về cơ sở công nghiệp quốc phòng và chế tạo của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Trump đã trình bày rõ ràng rằng Washington cần phải đầu tư khôi phục lại các nguồn lực trong nước của Mỹ, tăng cường đầu tư cho các ngành công nghiệp quân sự quan trọng, bao gồm cả những ngành cung ứng cho cơ sở hạ tầng điện tử của Mỹ.

Washington cũng phải chuyển sang thế tấn công, phải tìm cách khôi phục các thể chế đã được chứng minh tính hiệu quả như Ủy ban Điều phối Kiểm soát Xuất khẩu Đa phương trước đây, nhằm kiểm soát tốt hơn việc Trung Quốc tiếp cận với công nghệ quân sự phương Tây. Cũng cần phải có chiến dịch mạng và thông tin đa phương, trong đó khai thác những điểm yếu trong không gian mạng của Trung Quốc, ông Fisher kiến nghị.

Duy Minh

Xem thêm: