Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ và Philippines đã đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông nhằm chống lại nguy cơ leo thang quân sự từ Trung Quốc.

Hai nước đã đình chỉ hoạt động tuần tra hàng hải trong khu vực biển tranh chấp dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte.

Trong chuyến thăm Manila của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, ông và người đồng cấp Philippines Carlito Galvez “đã đồng ý khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở Biển Đông để giúp giải quyết các thách thức (an ninh)”, tuyên bố cho biết hôm thứ Năm (2/2), theo AFP.

Các quan chức cũng đã công bố một thỏa thuận cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận bốn căn cứ khác trong “khu vực chiến lược” ở quốc gia Đông Nam Á này.

Các thỏa thuận được đưa ra khi hai nước đồng minh tìm cách cải thiện mối quan hệ đã bị rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Duterte, người được coi là có quan điểm ủng hộ Trung Quốc.

Chính quyền mới của ông Ferdinand Marcos rất muốn đảo ngược điều đó.

Sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Đài Loan và việc xây dựng các căn cứ ở Biển Đông đang tranh chấp đã tạo động lực mới cho Washington và Manila để tăng cường quan hệ đối tác của hai bên.

Với vị trí chiến lược của Philippines, sự hợp tác được cho là chìa khóa trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, điều mà một tướng không quân bốn sao của Hoa Kỳ đã cảnh báo có thể xảy ra sớm nhất là vào năm 2025.

Thỏa thuận về tuần tra chung được đưa ra “vào phút cuối” trong cuộc đàm phán quốc phòng hôm thứ Năm giữa ông Austin và ông Galvez, một quan chức cấp cao của Philippines nói với AFP hôm thứ Sáu.

“Có một thỏa thuận chắc chắn rằng chúng tôi sẽ thảo luận các hướng dẫn về cách thực hiện các cuộc tuần tra chung này”, quan chức này cho biết trong điều kiện giấu tên, theo AFP.

“Sẽ phải có những cuộc thảo luận tiếp theo… (về) chính xác những gì chúng tôi muốn làm, chính xác nơi chúng tôi muốn làm, tần suất, và liệu các tàu hải quân hay cảnh sát biển có tham gia tuần tra hay không,” quan chức này nói thêm.

Ngân Hà (theo AFP)