Vào ngày 13/10, Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích lệnh cấm xuất khẩu mới nhất của Mỹ. Trong quá trình tách rời công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ đã thực sự tung ra đòn sát thủ chip.

shutterstock 1638160309
Trong quá trình tách rời về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ đã sử dụng sát thủ chip. (Ảnh minh họa: Blue Andy / Shuttertock)

Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Trung Quốc (CSIA) đã đưa ra một tuyên bố cho biết, vào ngày 7/10 Bộ Thương mại Mỹ đã công bố hai quy định kiểm soát xuất khẩu mới với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. CSIA phản đối việc Bộ Thương mại Mỹ sử dụng phương thức võ đoán như vậy để làm ảnh hưởng đến thương mại quốc tế. “Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ Mỹ có thể sửa chữa sai lầm của mình kịp thời và quay trở lại khuôn khổ của cơ chế thảo luận thương mại quốc tế của Hội đồng bán dẫn thế giới (WSC) và Hội nghị bán dẫn của Chính phủ và Cơ quan (GAMS) để liên lạc một cách đầy đủ, trao đổi quan điểm một cách hiệu quả và tìm cách đạt được đồng thuận.”

Tuần trước, Chính phủ Mỹ đã công bố các biện pháp mới nhằm hạn chế việc bán thiết bị và công nghệ bán dẫn cho Trung Quốc. Động thái này sẽ cắt đứt hoàn toàn con đường vận chuyển công nghệ cao và thiết bị công nghệ cao tới Trung Quốc của các nhà sản xuất chip Mỹ, một số trong số đó có hiệu lực ngay lập tức. So với những hạn chế tương tự đối với xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump, các biện pháp mới của chính quyền Biden đã mở rộng phạm vi, bao gồm việc các công ty phải có giấy phép đặc biệt để gửi các sản phẩm và thiết bị chip tiên tiến đến Trung Quốc.

Có lẽ khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đến gần, truyền thông trong nước Trung Quốc hiếm khi đưa tin về sự kiện này và thông tin trên mạng xã hội cá nhân cũng bị chặn.

Khác với những hạn chế về công nghệ và thiết bị trước đây, lệnh cấm mới nhất của Mỹ nằm ở việc hạn chế nhân tài, tức là những người làm việc trong lĩnh vực bán dẫn có quốc tịch Mỹ và thẻ thường trú (hay “thẻ xanh”) phải đưa ra lựa chọn giữa làm việc tại Trung Quốc và thôi quốc tịch Mỹ. Hiện tại, một số nhân tài người Mỹ làm việc tại Trung Quốc đang rút khỏi Trung Quốc.

So với Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (SMIC) bị Mỹ đánh vào điểm yếu vào năm 2018, thì lần này nặng nề hơn. Thời điểm đó, Mỹ chỉ mới ban hành lệnh cấm đối với chip dưới 28 nanomet (chủ yếu là 14nm và 7nm), lúc đó SMIC vẫn có thể đi làm dịch vụ, nhưng lần này ngay cả người Mỹ, thiết bị và công nghệ của Mỹ cũng bị cấm.

ASML, nhà sản xuất thiết bị cốt lõi để sản xuất chip, cũng đưa ra thông báo đình chỉ ngay lập tức các nhân viên người Mỹ của mình cung cấp dịch vụ cho Trung Quốc.

Một số nhà phân tích chỉ ra rằng nói một cách đơn giản, hầu hết mọi công ty bán dẫn công nghệ tiên tiến ở Trung Quốc đã bị cắt hoàn toàn nguồn cung cấp. Tất cả nhân viên Mỹ đã từ chức, việc rút lui và tách rời một cách bị động đã hoàn tất trong một đêm, và họ (các công ty bán dẫn Trung Quốc) đã trực tiếp bị tê liệt. Đây chính là thảm họa ngập đầu.

Bản tóm tắt cuộc họp chuyên gia thiết bị bán dẫn của Lam Research được chia sẻ trên mạng Internet cho thấy, các nhà sản xuất thiết bị tích hợp bán dẫn Trung Quốc là ChangXin Memory Technologies và Yangtze Memory Technologies đã trực tiếp bị cấm.

Ngoài ra, bản tóm tắt cuộc họp cũng đưa ra một ví dụ, nếu nhân viên Mỹ tiếp tục phát triển ở ChangXin Memory Technologies, họ sẽ đối mặt với nguy cơ bị bắt khi trở về Mỹ hoặc đi qua một quốc gia mà Mỹ có thể dẫn độ họ. Giờ đây, việc nhân viên hỗ trợ các công ty Trung Quốc này dưới mọi hình thức ở bất kỳ đâu trên thế giới là bất hợp pháp, miễn là họ có quốc tịch Mỹ.

Vision Times đã tìm hiểu về cơ sở pháp lý cho các tình huống có thể xảy ra ở trên tại trang web ecfr.gov, do Văn phòng Đăng ký Liên bang (OFR) thuộc Cục Quản lý Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Hoa Kỳ (NARA) và Văn phòng Xuất bản Chính phủ Hoa Kỳ (GPO) đồng quản lý. Điều quan trọng phụ thuộc vào việc liệu hành vi của người đó có cung cấp hỗ trợ, trợ giúp, v.v. cho công ty bán dẫn của Trung Quốc hay không, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển, mua thiết bị, v.v. Nếu Trung Quốc có trung tâm R&D tại Mỹ, về cơ bản nó sẽ bị hủy bỏ.

Những người trong ngành tin rằng các quy định mới của Mỹ tương đương với việc cấm tất cả các nhà sản xuất bán dẫn sử dụng thiết bị của Mỹ bán chip tiên tiến cho Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải phát triển công nghệ và bộ vi xử lý của riêng mình để thay thế công nghệ của Mỹ hoặc phương Tây đang sử dụng. Trong trường hợp này, Trung Quốc có thể mất từ ​​5 đến 10 năm nữa để bắt kịp công nghệ ngày nay.

Tổ chức nghiên cứu tư vấn chính trị kinh tế Thiên Quân (Tianjun Zhengjing) chỉ ra rằng trong 10 năm qua, từ chiến lược “xoay trục sang châu Á” của cựu Tổng thống Mỹ Obama đến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ông Trump, thuế quan đã được áp lên hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ và chiến tranh thương mại, và sau đó đến ông Biden, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ để tăng cường hợp tác “Đối thoại An ninh Bộ tứ”, thiết lập cấu trúc kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương và vận động nhà sản xuất máy in quang khắc Hà Lan ASML ngừng cung cấp cho Trung Quốc Đại Lục, tất cả đã từng bước gây sức ép lên chính quyền Bắc Kinh.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo (Ifo Institute for Economic Research), một trong những tổ chức nghiên cứu kinh tế lớn nhất của Đức, đã công bố một báo cáo vào tháng 8 rằng Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thua cuộc nhiều nhất khi các nước phương Tây tách rời song phương khỏi Trung Quốc.