Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm thứ Ba (5/12) đã phát đi thông báo sẽ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc.

Embed from Getty Images

Ngành công nghiệp thép toàn cầu đang trong giai đoạn khủng hoảng thừa với sức sản xuất mạnh từ Trung Quốc.

Reuters cho hay chính quyền Mỹ đưa ra quyết định này sau khi thụ lý vụ kiện thương mại do các nhà sản phẩm thép nội địa Hoa Kỳ đệ trình từ tháng 9/2017.

Các công ty thép của Hoa Kỳ, gồm ArcelorMittal USA, Nucor Corp (NUE.N), AK Steel Holdings Corp (AKS.N) và United States Steel Corp (X.N) đã cáo buộc rằng các nhà sản xuất thép của Trung Quốc đã bắt đầu chuyển mặt hàng thép sang các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam, để xuất khẩu vòng sang Mỹ, sau khi thép Trung Quốc bị chính quyền Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp từ năm 2015.

Bộ Thương mại Mỹ cho hay sau khi Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ năm 2015, các sản phẩm thép cuộn cán nguội từ Việt Nam hàng năm nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh lên tới 295 triệu USD so với chỉ 11 triệu USD trước đó.

Với thực trạng này, Bộ Thương mại Mỹ nói rằng họ sẽ áp đặt tỉ suất thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép không gỉ và thép cuộn cán nguội của Việt Nam có nguồn gốc từ thép cuộn cán nóng Trung Quốc giống như tỉ lệ đã áp đặt với thép Trung Quốc.

Cơ quan quản lý thương mại Mỹ nhận định rằng mặc dù các sản phẩm thép cán nguội sử dụng trong ngành ô tô và sản xuất thiết bị này được sản xuất tại Việt Nam, nhưng Việt Nam lại nhập khẩu nguyên thép cán nóng của Trung Quốc. Theo cáo buộc của các nhà sản xuất thép Mỹ, việc này khiến cho 90% giá trị sản phẩm thép mà Việt Nam xuất đi Mỹ là đến từ Trung Quốc.

Với quyết định này, các mặt hàng thép của Việt Nam nêu trên sẽ chính thức chịu thuế chống phá giá và chống trợ cấp từ 16/2/2018. Thép cuộn cán nguội từ Việt Nam sẽ chịu mức thuế 531%, trong khi thép không gỉ Việt Nam chịu mức thuế 238%. Với việc áp thuế cực cao này, coi như các mặt hàng thép của Việt Nam sắp tới sẽ không thể có chỗ đứng tại thị trường Mỹ.

Trước đó, vào tháng 11, Liên minh Châu Âu cũng thông báo rằng họ phát hiện mặt hàng thép nhập từ Việt Nam có dấu hiệu né thuế.

Trên bình diện chung toàn cầu, ngành công nghiệp thép đang phải vật lộn với khả năng sản xuất dư thừa, chủ yếu do sức sản xuất lớn từ Trung Quốc, dẫn tới giá thành thép thành phẩm giảm xuống.

Tuần trước, một diễn đàn của các nước công nghiệp phát triển G20 đã không thể đạt được tiến triển chung hướng tới một giải pháp giải quyết các vấn đề của ngành thép do có sự bất đồng quan điểm lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Hùng Cường

Xem thêm: