Các Thượng nghị sĩ Mỹ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hôm thứ Năm (23/5) đã tái giới thiệu ra Thượng viện dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc tham gia vào cái mà phía Mỹ gọi là các hoạt động “bất hợp pháp và nguy hiểm” của Bắc Kinh tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, tờ Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông) đưa tin.

Embed from Getty Images

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio là 1 trong 13 Thượng nghị sĩ đồng bảo trợ cho dự luật trừng phạt Trung Quốc tại Biển Đông.

Dự luật trừng phạt Trung Quốc có tên chính thức là “Đạo luật Chế tài Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Dự luật này sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ tịch thu tài sản tài chính đặt tại Mỹ và thu hồi hoặc từ chối cấp thị thực cho bất cứ ai tham gia vào “các hoạt động hoặc chính sách đe dọa tới hòa bình, an ninh hoặc sự ổn định” của các khu vực trên Biển Đông đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và một số thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trao đổi với tờ Hoa Nam Buổi Sáng, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, người cùng với Thượng nghị sĩ Dân chủ Benjamin Cardin dẫn dắt giới thiệu dự luật, cho biết: “Dự luật lưỡng đảng này sẽ gia tăng các nỗ lực của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong việc đối phó với hành vi quân sự hóa phi pháp và nguy hiểm của Bắc Kinh tại lãnh thổ tranh chấp mà Bắc Kinh đang chiếm đóng ở Biển Đông.”

“Luật này tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì khu vực này tự do và cởi mở cho tất cả các nước, và buộc chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho việc bắt nạt và cưỡng bức các quốc gia khác trong khu vực,” ông Rubio nói thêm.

Dự luật sẽ yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phải cung cấp cho Quốc hội một bản báo cáo 6 tháng/lần, xác định bất kỳ cá nhân hoặc công ty Trung Quốc nào đã tham gia vào việc xây dựng hoặc phát triển các dự án tại các khu vực trên Biển Đông. Các hoạt động bị nhắm mục tiêu chế tài bao gồm cải tạo đất, xây dựng đảo, xây dựng ngọn hải đăng và xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin di động.

Những cá nhân, tổ chức đồng lõa hoặc tham gia vào các hoạt động đe dọa tới “hòa bình, an ninh hoặc sự ổn định” của các khu vực trên Biển Hoa Đông do Nhật Bản và Hàn Quốc quản lý cũng sẽ bị chế tài tương tự, dự luật nêu rõ.

Dự luật trừng phạt Trung Quốc nêu trên đã từng được giới thiệu vào năm 2017, nhưng khi đó Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện đã không thể thống nhất đưa dự luật ra bàn thảo tại toàn Thượng viện. Để được thông qua, dự luật phải qua được cửa Thượng viện, Hạ viện và chuyển tới Tổng thống ký thành luật.

Những người ủng hộ dự luật này đang hy vọng lần giới thiệu năm nay sẽ có kết quả khác 2 năm trước. Tân Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Thượng viện James Risch – người thay cựu chủ tịch Bob Corker từ tháng Một, là người đã nghiên cứu kỹ lưỡng các chính sách và thực hành của Bắc Kinh.

Phát ngôn viên của Thượng nghị sĩ Rubio hôm thứ Tư (22/5) nói rằng: “Với sự quan tâm của chủ tịch Risch về các vấn đề Trung Quốc, chúng tôi rất lạc quan.” Vị phát ngôn viên này nói thêm rằng không có gì khác biệt về mặt câu từ trong phiên bản dự luật 2019 so với phiên bản 2017.

Dự luật lần này cũng khả quan hơn khi được giới thiệu trong bối cảnh lập trường cứng rắn của chính quyền Trump đối với Trung Quốc đang nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng, bao gồm cả những người chỉ trích ông Trump gay gắt nhất. Chẳng hạn, Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer mới đây cũng đã lên tiếng hoan nghênh ông Trump đang tiến hành một cuộc chiến thương mại tốn kém với Bắc Kinh, bao gồm cả việc leo thang về thuế quan.

Dự luật năm nay cũng có tới 13 Thượng nghị sĩ của cả Dân chủ và Cộng hòa đồng bảo trợ, tăng đáng kể so với chỉ có 2 nghị sĩ bảo trợ phiên bản dự luật năm 2017.

Dự luật này cũng được giới thiệu trong thời điểm chính quyền Trump đang gia tăng các hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự tại Biển Đông.

Hôm Chủ Nhật (19/5), Hải quân Mỹ đã điều một tàu khu trục đi vào khu vực 12 hải lý gần Bãi cạn Scarborough, thuộc Quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Đây là hoạt động tự do hàng hải lần thứ hai trong vòng một tháng của Hải quân Mỹ trong vùng biển chiến lược này.

Đầu tháng này, Mỹ cũng đã tiến hành diễn tập hải quân cùng với Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines. Đây là một màn thị uy sức mạnh chung của Mỹ và đồng minh mà các chuyên gia quốc tế cho rằng đó là hoạt động “bất thường”.

Trước sự hiện diện ngày càng tăng của quân đội Mỹ tại Biển Đông, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Washington làm mất ổn định khu vực. Chế độ Bắc Kinh nói rằng các hoạt động của tàu chiến Mỹ đã “vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và gây tổn hại tới hòa bình, an ninh và trật tự tốt trong các vùng biển liên quan.”

Như Ngọc