Hôm thứ Hai (27/6), Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tiết lộ, Mỹ đang lên kế hoạch gửi cho Ukraine các tên lửa phòng không hiện đại để giúp nước này chống lại các cuộc tấn công của Nga.

Embed from Getty Images

Phát biểu với các phóng viên tại Đức, nơi Tổng thống Joe Biden đang tham dự hội nghị thượng đỉnh G7, Cố vấn Sullivan cho biết: “Tôi có thể xác nhận rằng, trên thực tế chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện một gói viện trợ [cho Ukraine] bao gồm các thiết bị phòng không tiên tiến.

Theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã tham dự các cuộc đàm phán của G7 qua liên kết video, rằng Mỹ đang chuẩn bị vận chuyển “các thiết bị phòng không tầm trung và tầm xa tiên tiến” cho quốc gia Đông Âu này.

Ông Sullivan lưu ý, gói viện trợ bổ sung của Mỹ đang được chuẩn bị do “nhu cầu khẩn cấp” của Ukraine còn bao gồm hệ thống radar phản pháo kích, vốn được sử dụng để xác định chính xác vị trí bắn pháo của đối phương.

Theo Cố vấn Sullivan, trong bài phát biểu của mình trước G7, Tổng thống Zelensky đã đề cập đến một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhắm vào một khu dân cư ở thủ đô Kyiv hôm Chủ nhật (26/6) và ông nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng ông muốn có “thêm các thiết bị phòng không để có thể bắn hạ các tên lửa [của Nga] khỏi bầu trời.

Theo một nguồn tin Mỹ, người đã yêu cầu giấu tên, Tổng thống Biden “đã ưu tiên mua sắm các hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine.

Có thể trong tuần này”, chính quyền Biden sẽ đưa ra thông báo về việc mua hệ thống NASAMS cũng như các vũ khí khác để giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga. NASAMS là “hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung đến tầm xa tiên tiến” do Mỹ và Na Uy hợp tác phát triển.

Tổng thống Zelensky đã nhiều lần yêu cầu phương Tây cung cấp các hệ thống phòng không mạnh mẽ hơn nhằm chống lại các cuộc không kích của Nga kể từ khi Moscow phát động cuộc xâm lược vào cuối tháng Hai.

Do máy bay và tên lửa hành trình của Nga liên tục tấn công vào quân đội Ukraine và dân thường, ban đầu Tổng thống Zelensky tập trung kêu gọi các quốc gia phương Tây “đóng cửa bầu trời” đối với Nga và gửi các máy bay chiến đấu cho Ukraine để chống lại các cuộc không kích của Nga.

Sau khi Mỹ và các đồng minh châu Âu nói rõ ràng việc cung cấp máy bay chiến đấu là rất rủi ro, có khả năng kéo họ vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga, Tổng thống Ukraine đã chuyển sang yêu cầu phương Tây cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không.

Thực tế Ukraine đã có nhiều loại vũ khí này, bao gồm hệ thống S-300 mạnh mẽ do Liên Xô thiết kế.

Theo trang web của tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia của Mỹ Raytheon, hệ thống phòng không NASAMS, do tập đoàn này hợp tác với công ty Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy chế tạo, đã được bán ở 12 quốc gia.

Đức cũng đã hứa sẽ gửi cho Ukraine một hệ thống lá chắn phòng không Iris-T mà nước này cho rằng có khả năng bảo vệ một thành phố lớn khỏi các cuộc không kích. Iris-T là hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn đến tầm trung do Đức phát triển, hiện đang được một số quốc gia trong NATO sử dụng.

Gia Huy (Theo AFP)