Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters hôm thứ Sáu (5/10), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ám chỉ rằng Washington có thể sẽ sử dụng các hiệp định thương mại mới với các đối tác để gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Ông Ross nói rằng điều khoản “thuốc độc” chống Trung Quốc trong Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) hoàn toàn có thể được nhân rộng.

Embed from Getty Images

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross

Ông Ross nói với Reuters rằng điều khoản “thuốc độc” chống Trung Quốc trong USMCA là “một động thái khác để nỗ lực đóng các lỗ hổng” trong các hiệp định thương mại đang giúp “hợp pháp hóa” các hoạt động thương mại, sở hữu trí tuệ và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc.

Được biết, hiện nay Mỹ đang ở giai đoạn đầu trong các cuộc đàm phán thương mại với Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU) để giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan và cố gắng giảm thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với hai đối tác này trong ngành ôtô và một số mặt hàng khác.

Ngoại giới nhận định nếu Nhật Bản và EU đồng ý ký hiệp định thương mại mới với Mỹ trong đó có điều khoản tương tự với điều khoản chống Trung Quốc trong USMCA, thì điều đó sẽ là chỉ dấu cho thấy Tokyo và Brussels hoàn toàn liên kết với Washington để gia tăng áp lực lên Bắc Kinh nhằm ép nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải thay đổi chính sách kinh tế gây hại của họ.

Trong USMCA mà Mỹ vừa chốt song với Mexico và Canada thay thế cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã tồn tại 24 năm, có điều khoản cho phép Washington phủ quyết bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào khác mà Mexico hay Canada ký với các nền kinh tế “phi thị thường”.

Theo điều khoản mà ông Ross gọi là “thuốc độc” chống Trung Quốc này, nếu bất kỳ nước nào trong ba nước thuộc USMCA tham gia một thỏa thuận thương mại với một nước “phi thị trường”, hai nước còn lại có quyền tự do rút khỏi thỏa thuận ba bên trong vòng 6 tháng và thành lập hiệp định thương mại song phương giữa họ với nhau.

Mặc dù điều khoản nêu trên không nêu rõ tên Trung Quốc, nhưng không khó để nhận thấy đó là biện pháp mà Mỹ muốn nhắm trực tiếp vào chế độ Bắc Kinh vì nước này dù đã là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới từ năm 2001, nhưng vẫn chưa được quốc tế công nhận là nền kinh tế thị trường.

Điều khoản này được cho là phù hợp với nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế và ngăn chặn các công ty Trung Quốc sử dụng Canada hoặc Mexico làm “cửa hậu” để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.

Bộ trưởng Thương Mại Ross khẳng định với Reuters: “Đó là hợp lý, đó là một liều thuốc độc”.

Ông Ross nói thêm rằng với một tiền lệ đã được thiết lập, nên bây giờ việc các thỏa thuận thương mại khác cũng bổ sung điều khoản này sẽ trở nên dễ dàng hơn. “Các đối tác có thể hiểu được rằng điều này là một trong những điều khoản tiên quyết [của Mỹ] để tiến tới thỏa thuận”, ông Ross nói.

Tân Bình

Xem thêm: