Theo hồ sơ tòa án, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ xóa hãng Xiaomi của Trung Quốc khỏi danh sách đen của chính phủ, qua đó đánh dấu sự đảo ngược của chính quyền Biden đối với một trong những chính sách cuối cùng của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm vào Bắc Kinh trước khi rời nhiệm sở.

Xiaomi
(Ảnh minh họa: testing/Shutterstock)

Hồ sơ tòa án tuyên bố rằng công ty Xiaomi và chính phủ Mỹ sẽ đồng ý giải quyết các vụ kiện đang diễn ra của họ, từ đó chấm dứt cuộc xung đột giữa công ty phần cứng và Washington.

Một phát ngôn viên của Xiaomi cho biết công ty đang theo dõi một cách chặt chẽ những diễn biến mới nhất mà không giải thích chi tiết.

Cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 6% tại Hồng Kông khi tin tức về quyết định này được lan truyền. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm khoảng 20% ​​kể từ khi bị đưa vào danh sách đen hồi tháng 1/2021.

Bộ Quốc phòng Mỹ không đưa ra bình luận ngay lập tức. Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp từ chối bình luận về vấn đề này.

Bộ Quốc phòng đã chỉ định Xiaomi có quan hệ với quân đội Trung Quốc và đưa nó vào danh sách hạn chế đầu tư của Mỹ.

Hiện có 7 công ty khác của Trung Quốc cũng đang bị áp đặt những hạn chế tương tự.

Xiaomi đã tấn công bằng cách đệ đơn kiện chính phủ Mỹ, trong đó yêu cầu tòa án tuyên bố việc chỉ định là “bất hợp pháp và vi hiến”, đồng thời phủ nhận bất kỳ mối quan hệ nào với quân đội Trung Quốc.

Vào tháng 3/2021, một thẩm phán liên bang đã ra phán quyết tạm thời chặn việc đưa Xiaomi vào danh sách đen. Chính quyền Biden đã đồng ý không phản đối phán quyết đó.

Ngay sau phán quyết đó, Reuters đưa tin rằng các công ty Trung Quốc khác nằm trong danh sách đen cũng đang xem xét các vụ kiện tương tự.

Xiaomi là một trong những công ty công nghệ nổi tiếng của Trung Quốc mà cựu Tổng thống Trump nhắm đến do mối quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Ông Trump đã biến việc chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh trở thành trọng tâm trong chính sách kinh tế và đối ngoại khi ông còn đương nhiệm.

Đối thủ điện thoại thông minh tại Trung Quốc của Xiaomi là Huawei cũng bị đưa vào danh sách đen xuất khẩu vào năm 2019, và bị cấm truy cập công nghệ quan trọng có nguồn gốc từ Mỹ, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thiết kế chip của riêng mình cũng như nguồn linh kiện từ các nhà cung cấp bên ngoài. Các biện pháp này đã làm tê liệt bộ phận kinh doanh điện thoại thông minh của công ty.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra những hạn chế tương tự đối với Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế của Trung Quốc (SMIC), một công ty đóng vai quan trọng trong nỗ lực quốc gia của Trung Quốc nhằm thúc đẩy lĩnh vực chip nội địa của mình.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: