Chính quyền Biden hôm thứ Năm (4/3, giờ Mỹ) đã công bố các án phạt mới đối với quân đội Myanmar từ sau khi lực lượng này tiến hành đảo chính tại quốc gia Đông Nam Á hôm 1/2. Án phạt mới bổ sung các bộ quốc phòng, nội vụ và các tập đoàn quân đội hàng đầu của Myanmar vào danh sách đen.

Embed from Getty Images

Nhóm vận động Công lý cho Myanmar hôm 2/3 nói với Reuters rằng Bộ Nội vụ Myanmar – cơ quan chỉ huy lực lượng cảnh sát quốc gia – đã mua công nghệ từ các công ty Mỹ và sử dụng chúng cho việc giám sát mạng xã hội và các mục đích khác.

Hai tập đoàn kinh tế quân đội Myanmar bị Mỹ liệt vào danh sách đen là Myanmar Economic Corporation và Myanmar Economic Holdings Limited. Đây là hai trong nhiều công ty được quân đội Myanmar sử dụng để kiểm soát phần lớn nền kinh tế nước này thông qua các công ty mẹ và công ty con, với lợi ích trải rộng từ bia rượu và thuốc lá tới viễn thông, lốp xe, khai mỏ và bất động sản.

Washington cũng đã liệt Myanmar vào danh sách chịu hạn chế kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng “sử dụng trong quân đội”. Các nhà cung cấp Mỹ muốn xuất khẩu các hàng hóa đó sang Myanmar phải xin được giấy phép ‘rất khó được cấp’ từ Bộ Thương mại, theo Reuters.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 4/3 phát đi tuyên bố cho hay: “Chúng tôi sẽ không cho phép quân đội Miến Điện [tên gọi cũ Myanmar] tiếp tục thu lợi từ việc tiếp cận các hạng mục [hàng hóa] có trong Quy định Quản lý Xuất khẩu”. Bộ này nói thêm rằng họ đang tiến hành rà soát những hành động trừng phạt Myanmar thêm nữa.

Tuy nhiên, ngoại giới cho rằng các biện pháp của chính quyền Biden hiện tại được dự báo sẽ chỉ ảnh hưởng giới hạn đến Myanmar bởi vì giao thương giữa hai nước hàng năm là nhỏ và các tổ chức bị liệt vào danh sách đen không phải là những nhà nhập khẩu lớn.

Chính quyền Biden đưa ra hành động nêu trên là nhằm phản ứng lại tình trạng đàn áp và bạo lực ngày càng leo thang tại Myanmar. Người dân nước này đang xuống đường biểu tình chống lại sự cầm quyền của quân đội từ sau khi lực lượng này lật đổ các quan chức được bầu dân chủ, trong đó có lãnh đạo thực tế Aung San Suu Kyi. Bà Suu Kyi và đảng của bà đã thắng lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020.

Cảnh sát Myanmar đã đang tiến hành giải tán các cuộc biểu tình bằng biện pháp xịt khí gas và nổ súng tại nhiều thành phố trên khắp cả nước. Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 54 người đã bị chết từ sau cuộc đảo chính hôm 1/2. Ngoài ra, hơn 1.700 người đã bị bắt, trong đó có 29 nhà báo.

Cho đến nay, chính quyền Biden vẫn chưa triển khai công cụ chế tài khắc nghiệp nhất mà họ có để chống lại các tập đoàn kinh tế quân đội Myanmar. Một trong những công cụ này là phong tỏa tất cả các giao dịch với các cá nhân Mỹ và loại bỏ các công ty bị liệt vào danh sách đen ra khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ.

Đức Thiện (Theo Reuters)

Xem thêm: