Lầu Năm Góc hôm 1/3 cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan, bao gồm máy bay chiến đấu F-16 và 200 tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM).

Video 2 Tiem kich F 16 ho tong may bay cho doi tuyen Ba Lan du World Cup 2022 1
Tiêm kích F-16. (Ảnh: Newcastle/Shutterstock)

Vào ngày 1/3, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay đã thông báo cho Quốc hội về thương vụ bán vũ khí mới nhất cho Đài Loan. Lầu Năm Góc cho biết trong một tuyên bố rằng việc bán vũ khí sẽ giúp cải thiện khả năng tự vệ của Đài Loan và khả năng tương tác (interoperability) quân sự Mỹ – Đài Loan.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng thương vụ trang bị cho các máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan nhiều loại vũ khí trị giá tới 6,19 triệu USD, nhấn mạnh thương vụ này tuân thủ Đạo luật Quan hệ Đài Loan và chính sách một Trung Quốc. Tính từ năm 2010 chính quyền Mỹ đã thông báo với Quốc hội về việc bán vũ khí cho Đài Loan với tổng trị giá hơn 37 tỷ USD.

Lầu Năm Góc nêu chi tiết thương vụ mới nhất này qua một thông cáo báo chí, nêu rõ đơn xin mua vũ khí của Đài Loan bao gồm 100 tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88B (HARM) và 200 tên lửa tầm trung không đối không tiên tiến AIM-120C-8 (AMRAAM).

Tuyên bố của Lầu Năm Góc xác định Raytheon Technologies Corp và Lockheed Martin Corp là những nhà thầu chính cho việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai công ty vũ khí này của Mỹ, đưa họ vào “danh sách thực thể không đáng tin cậy”, qua đó cấm hai công ty tham gia hoạt động thương mại xuất nhập khẩu liên quan đến Trung Quốc và yêu cầu bên kia trả tiền phạt gấp đôi số tiền bán vũ khí cho Đài Loan.

Ngay từ tháng 9/2022, Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã công bố các lệnh trừng phạt đối với Giám đốc điều hành Gregory J. Hayes của Raytheon và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ted Colbert của Boeing Defense vì liên quan đến việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Reuters đưa tin, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Đã nhiều lần Bắc Kinh yêu cầu Mỹ dừng các thỏa thuận như vậy.

Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố rằng thương vụ bán vũ khí trị giá 6,19 triệu USD của Chính phủ Mỹ cho Đài Loan dự kiến ​​sẽ có hiệu lực sau một tháng nữa. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 2 loại tên lửa được phía Mỹ đồng ý bán lần này đều là các loại tên lửa có tính năng tác chiến hoàn chỉnh, được tăng cường và nâng cấp một số chức năng, tăng cường khả năng phòng thủ hiệu quả không phận để đối phó với các mối đe dọa và khiêu khích của quân đội ĐCSTQ.

Tờ WSJ Mỹ đưa tin rằng quân đội Mỹ sẽ tăng số lượng binh sĩ đồn trú tại Đài Loan lên 100 – 200 người để giúp huấn luyện quân đội Đài Loan chống lại mối đe dọa vũ lực ngày càng tăng của ĐCSTQ. Giới phân tích có chỉ ra nhiệm vụ chính của quân đội mới của Mỹ đóng quân tại Đài Loan là tăng cường sự phối hợp giữa quân đội Mỹ và Đài Loan và chuẩn bị cho các hoạt động chung để đối phó với một cuộc chiến có thể xảy ra trên eo biển Đài Loan.

Ngày 27/2, một máy bay tuần tra chống ngầm P-8A của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan. Quân đội ĐCSTQ cho biết họ đã theo dõi toàn bộ quá trình hoạt động của máy bay quân sự Mỹ và sẽ luôn duy trì tình trạng cảnh giác cao độ trong mọi thời điểm để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Trong hai ngày tiếp theo, quân đội ĐCSTQ đã tăng cường đáng kể các hoạt động xung quanh Đài Loan.

Ngày 1/3, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã có báo cáo tình báo hàng ngày về eo biển Đài Loan, cho biết rằng tính đến 6:00 sáng hôm đó đã phát hiện tổng cộng 29 phi vụ máy bay và 4 đợt tàu của quân ĐCSTQ liên tục hoạt động quanh eo biển Đài Loan. Quân đội Đài Loan đã sử dụng máy bay, tàu và hệ thống tên lửa bờ biển giám sát chặt chẽ.

ĐCSTQ khẳng định Đài Loan là một tỉnh cần được thống nhất và sẽ sử dụng vũ lực để đạt được sự thống nhất xuyên eo biển nếu cần thiết, đồng thời kiên quyết phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và bất kỳ hành động nào khuyến khích “Đài Loan độc lập”.