Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Ba (11/7), họ đã thử nghiệm thành công Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) đánh chặn tên lửa tầm trung (IRBM), trong bối cảnh căng thẳng an ninh đối với Bắc Hàn ngày càng leo thang.

Một quan chức Bộ quốc phòng giấu tên xác nhận với Reuters rằng vụ thử nghiệm đánh chặn diễn ra vào sáng sớm thứ Ba 11/7 (giờ Mỹ). Cơ quan Phòng thủ Tên lửa cho hay một hệ thống THAAD lắp đặt ở Kodiak, bang Alaska đã đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo được phóng đi từ máy bay vận tải quân sự C-17 đang bay từ phía bắc của bang Hawaii.

Đây là lần thử nghiệm THAAD thứ 14 sau lần thử nghiệm đầu tiên từ hơn 1 thập kỷ trước. Tất cả các cuộc thử nghiệm này, THAAD đều đánh chặn thành công các mục tiêu.

Tuy nhiên, khác với 13 lần trước, đây là lần đầu tiên hệ thống THAAD được thử nghiệm đánh chặn một tên lửa tầm trung IRBM đang trên quỹ đạo bắn đến. Các chuyên gia đánh giá rằng IRBM bay nhanh và khó nhắm bắn mục tiêu hơn các tên lửa tầm ngắn.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Hoa Kỳ (MDA) cho hay tên lửa IRBM lấy làm mục tiêu thử nghiệm lần này được thiết kế giống như các loại tên lửa có thể đe dọa tới lãnh thổ nước Mỹ.

Trong một tuyên bố phát đi sau khi thử nghiệm thành công, MDA cho biết: “Cuộc thao diễn THAAD chống lại mối đe dọa từ IRBM thành công làm tăng khả năng phòng thủ của đất nước trước mối nguy hiểm đến từ Bắc Triều Tiên và các nước khác”.

Cuộc thử nghiệm thành công THAAD cũng đã làm tăng thêm uy tín của chương trình phòng thủ tên lửa của quân đội Hoa Kỳ trong những năm gần đây, đẩy lùi những lo ngại do có sự chậm trễ và thất bại trong các cuộc thử nghiệm.

Văn phòng Trách nhiệm giải trình của Chính phủ Mỹ, một cơ quan giám sát liên bang, trong một báo cáo hồi tháng 5 đã lưu ý rằng MDA trước đó đã không kiểm tra THAAD chống lại IRBM nhưng vẫn cho triển khai hệ thống này tới đảo Guam, một lãnh thổ Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương vào năm 2013 giữa lúc lo ngại về chương trình tên lửa của Bắc Triều Tiên.

Điều đó có nghĩa rằng, cho đến lần thử nghiệm gần nhất này, hệ thống THAAD chưa chứng minh được khả năng có thể đánh chặn IRBM – các tên lửa có tầm bay từ 3.000km đến 5.500km. Đảo Guam cánh Bắc Triều Tiên khoảng 3.400km.

Trong tháng 6 vừa qua, MDA đã trao đổi với Quốc hội rằng cơ quan này đã lên kế hoạch chuyển thêm 52 máy đánh chặn THAAD tới Quân đội Hoa Kỳ trong thời gian từ tháng 10/2017 tới tháng 9/2018, đưa tổng số thiết bị đánh chặn lên 210.

Đầu năm 2017, Hoa Kỳ cũng đã cho triển khai THAAD tới Hàn Quốc để bảo vệ nước này trước các tên lửa tầm ngắn từ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện tại THAAD mới chỉ lắp đặt được 2/6 hệ thống phóng vì chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in yêu cầu phải dừng triển khai để tiến hành “hoạt động đánh giá môi trường”.

Hệ thống THAAD tại Hàn Quốc cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng hệ thống radar của THAAD mà Seoul đang sở hữu có thể quét tới lãnh thổ của Trung Quốc.

Đầu tháng 7 này, Bắc Kinh và Moscow cũng đã phát đi một tuyên bố chung kêu gọi Washington phải dừng ngay lập tức hệ thống THAAD tại Hàn Quốc.

Tuyên bố Trung – Nga nêu trên nói rằng Hoa Kỳ đang sử dụng Bắc Triều Tiên như là một cớ để mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của họ ở Châu Á và tạo nguy cơ làm mất cân bằng về quyền lực chiến lược trong khu vực.

Yên Sơn

Xem thêm: